Tạo sinh kế cho người lao động
BHG - Xác định nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả công tác giảm nghèo, tỉnh ta triển khai đồng độ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, tạo sinh kế để tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho cán bộ cơ sở xã, phường, thôn bản, tỉnh ta ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm, nhất là cho lao động nông thôn. Các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vào cuộc tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm gắn với mở rộng và kết nối thị trường lao động, kết nối doanh nghiệp giúp NLĐ ở nông thôn có cơ hội tìm kiếm việc làm; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm tư vấn, tuyển chọn lao động để cung ứng và tuyển dụng lao động; quan tâm và chú trọng đến NLĐ ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm được ngành Lao động TB&XH quan tâm, góp phần giúp NLĐ có tay nghề áp dụng trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh hoặc tìm kiếm việc làm.
Trong 5 năm trở lại đây, ngành tổ chức hàng chục hội chợ việc làm tại các huyện, trên 700 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn; tư vấn cho 60.000 lượt người, trong đó có trên 35.000 người tìm được việc làm. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 92.000 lao động, vượt mục tiêu đề ra; trong đó, lao động đi làm việc ngoài tỉnh chiếm 43,5%. Từ năm 2021 đến tháng 3.2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 63.000 lao động, làm việc ngoài tỉnh chiếm trên 70%. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, đến cuối năm 2022 tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 56,6%.
Giám đốc Sở Lao động TB&XH Sùng Đại Hùng cho biết: Thực hiện công tác giải quyết việc làm, nhất là đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh và giáo dục nghề nghiệp đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm ở nông thôn, giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tăng cường niềm tin trong nhân dân, góp phần ổn định xã hội, tạo thuận lợi cho phát triển KT – XH ở địa phương.
Qua tìm hiểu, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành, địa phương rà soát, lựa chọn, xây dựng các dự án để tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Qua đó, thực hiện mục hiệu quả tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt ở các địa bàn huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Yên Minh là một trong những địa phương triển khai hiệu quả các mô hình giảm nghèo; tập trung vào chăn nuôi đại gia súc với hình thức hỗ trợ tiền vốn mua con giống, hỗ trợ tu sửa chuồng trại, thức ăn và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ tham gia mô hình; hộ dân đóng góp thêm tiền mua con giống, công tu sửa chuồng trại, trồng thức ăn chăn nuôi. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai theo hình thức nuôi luân chuyển, có thu hồi, nhằm bảo toàn nguồn vốn, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Chủ tịch UBND xã Du Tiến (Yên Minh) Hoàng Văn Mấm chia sẻ: Các dự án phát triển hiệu quả, các hộ tham gia có trách nhiệm với việc chăm sóc vật nuôi của dự án hỗ trợ nên đàn gia súc phát triển tốt, giúp người nghèo có phương tiện sản xuất, sức cày kéo, phân bón, tạo việc làm, có sản phẩm giá trị cao để bán ra thị trường, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, dự án giúp người dân, nhất là người dân tộc thiểu số nghèo chuyển đổi nhận thức và ý chí, quyết tâm vượt nghèo, tự nguyện tham gia dự án, nhờ đó đã khai thác tiềm năng, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo bền vững; đội ngũ cán bộ ở cơ sở nâng cao thêm kiến thức quản lý, điều hành các dự án.
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững trong xu thế hội nhập, tỉnh ta đẩy mạnh hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề gắn với mở rộng thị trường và kết nối cung cầu lao động, giúp NLĐ nông thôn có cơ hội học nghề và tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập. Gắn đào tạo nghề với phát huy lợi thế sản phẩm vùng miền để giúp người dân tạo ra sản sẩm chất lượng. Lồng ghép các nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh và các nguồn huy động khác gắn với giải quyết việc làm. Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; đưa lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, xuất khẩu lao động; kết hợp hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202309/tao-sinh-ke-cho-nguoi-lao-dong-b0e4cf0/