Tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số Bắc Hà

Thời gian qua, phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bắc Hà nói riêng được tạo điều kiện về vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để phát triển kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của phụ nữ dân tộc thiểu số đạt giá trị kinh tế cao.

Bà Tráng Thị Lan (thôn Na Hối Tày, xã Na Hối) được vay hơn 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Với số tiền này, bà Lan đầu tư xây dựng công trình nước sạch, nuôi trâu sinh sản, mua nguyên liệu mở rộng quy mô may trang phục truyền thống dân tộc. Trên địa bàn huyện Bắc Hà, may trang phục truyền thống là nghề đang dần mai một, lớp trẻ ít người kiên nhẫn làm nghề này. Bà Tráng Thị Lan là người khéo tay, đã làm nghề hơn 20 năm và có lượng khách hàng lớn, ổn định. Mô hình may trang phục truyền thống của bà Lan được đầu tư từ vốn vay để tiếp tục mở rộng. Bà Lan cho biết: Tôi được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi. Tôi đầu tư số vốn này hiệu quả qua mô hình may trang phục truyền thống cung cấp cho thị trường.

Bà Tráng Thị Lan sử dụng hiệu quả vốn vay chính sách.

Gia đình chị Sùng Thị Cúc (dân tộc Mông, thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư) có hoàn cảnh khó khăn. Kinh tế gia đình chị chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, thu nhập thấp. Năm 2019, chị Cúc vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện mua 1 con trâu sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, con trâu chuẩn bị đẻ lứa đầu. Chị Cúc bộc bạch: Cuộc sống ở vùng cao quanh năm vất vả, kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp nên thu nhập thấp. Tuy vậy, phụ nữ chúng tôi được hỗ trợ về sinh kế, trong đó hiệu quả nhất là vốn vay.

Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số Bắc Hà, chị Trần Thị Quế Anh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện không khỏi tự hào: Phụ nữ dân tộc thiểu số Bắc Hà vốn rất chăm chỉ, đảm đang. Họ vừa là người xây tổ ấm lại đảm đương trách nhiệm chèo lái kinh tế gia đình, do vậy việc tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu đầy tính nhân văn của ngân hàng.

Đến thời điểm này, dư nợ của Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện là 83,419 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng dư nợ. Vốn vay ủy thác tại 58 tổ vay vốn và tiết kiệm thuộc 19 xã, thị trấn trên địa bàn với 1.791 khách hàng phụ nữ dư nợ. Việc quản lý, giám sát vốn vay chính sách được thực hiện khoa học, hiệu quả nên nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05% dư nợ. Nguồn vốn vay chính sách được phụ nữ đầu tư phát triển một số mô hình chủ yếu như trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ…

Nguồn vốn chính sách giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tạo dựng sinh kế, từng bước thoát nghèo bền vững, từ đó nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Nhiều chị em không chỉ thoát nghèo, ổn định cuộc sống mà còn tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, thậm chí tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khác. Tín dụng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH dành cho phụ nữ ngày càng tăng về chất và lượng.

Chị Trần Thị Quế Anh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện khẳng định, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách, trong đó ưu tiên phụ nữ dân tộc thiểu số. Để vốn vay chính sách đến tận tay người vay, cán bộ tín dụng về tận các xã khó khăn thực hiện các thủ tục giải ngân, đồng thời khuyến khích, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Vốn vay chính sách đã và đang là điểm tựa quan trọng giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Hà thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Từ đó, hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, phụ nữ tạo thêm việc làm cho phụ nữ, phụ nữ trở thành những người uy tín, có vị trí quan trọng trong xã hội hiện đại, qua đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Vân Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/tao-sinh-ke-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-bac-ha-z5n20200620074720711.htm