Tạo sinh kế, giúp giảm nghèo bền vững
Với sự triển khai đồng bộ các giải pháp, cách làm hay, hiệu quả trong hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, thời gian qua, công tác giảm nghèo ở huyện Đồng Phú có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, nâng cao. Qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Linh hoạt giải pháp giảm nghèo
Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng gia cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thị Thuyền ở ấp Phước Tân, xã Tân Phước và đứa cháu nhỏ phải ở nhờ nhà người quen. Tuổi cao sức yếu, không còn khả năng lao động, cuộc sống hằng ngày của 2 bà cháu phải nương nhờ vào thu nhập ít ỏi từ việc mót mủ cao su của đứa cháu nhỏ. Nắm bắt hoàn cảnh 2 bà cháu, đầu năm 2021, chính quyền địa phương đã vận động Công ty TNHH MTV Công Thành (TP. Đồng Xoài) hiến tặng mảnh đất rộng hơn 100m2. Đồng thời vận động, huy động từ các nguồn lực xây tặng căn nhà với kinh phí gần 80 triệu đồng để 2 bà cháu ổn định chỗ ở. Không chỉ có nhà để ở, bà Thuyền còn tranh thủ nuôi gà, trồng rau để cải thiện cuộc sống. Bà Thuyền xúc động chia sẻ: “Gia cảnh khó khăn, bà cháu tôi chưa bao giờ nghĩ có được căn nhà riêng để ở. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể, mạnh thường quân, nay bà cháu tôi đã có nhà ở, mừng lắm!”.
Vợ chồng anh Đỗ Văn Nam ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước cũng là một trong những hộ hoàn cảnh khó khăn. Cả gia đình có 6 người chỉ trông chờ vào vài sào điều ít ỏi và tiền công từ công việc làm thuê. Năm 2020, gia đình anh được hỗ trợ 1 con bò giống trị giá 30 triệu đồng. Nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm bò sinh sản nên gia đình anh có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, ổn định đời sống. “Gia đình tôi khó khăn, được chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ bò để chăn nuôi phát triển kinh tế. Có con bò, gia đình tôi mừng lắm, cố gắng chăm sóc thật tốt để tăng đàn. Đây cũng là động lực để vợ chồng tôi phấn đấu làm ăn, vươn lên thoát nghèo” - anh Nam cho hay.
Nếu trước đây, xã Tân Phước là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Đồng Phú thì đến nay số hộ nghèo chỉ còn 5 hộ, trong đó có 2 hộ thuộc diện “nghèo bền vững”. Có được kết quả tích cực như vậy là nhờ thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Chị Lê Thị Yến, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo xã Tân Phước chia sẻ: “Tùy hoàn cảnh từng hộ, có những trường hợp thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ đưa vào diện chính sách bảo trợ xã hội và tìm nguồn nhân đạo để hỗ trợ. Những trường hợp này không thể vận động thoát nghèo được. Còn lại, những hộ có nguồn lao động, có rẫy ít thì hỗ trợ các phương án sản xuất như: hỗ trợ máy cưa, khoan giếng hoặc cây-con giống… để tăng khả năng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho họ”.
Tranh thủ huy động các nguồn lực
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Đồng Phú đã triển khai đồng bộ, đa dạng hóa nhiều biện pháp thiết thực và phù hợp. Huyện luôn tranh thủ huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Trong năm 2021, huyện Đồng Phú đã vận động được 710 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ 44 tiêu chí các dịch vụ xã hội cơ bản cho 26 hộ nghèo; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 13 căn nhà trị giá 590 triệu đồng; tặng 6 con bò giống trị giá 180 triệu đồng; hỗ trợ đào giếng, xây nhà vệ sinh, mua xe ba bánh, máy cưa, kéo điện… với tổng trị giá hơn 230 triệu đồng.
Các hộ nghèo, gia đình khó khăn còn được hỗ trợ các chính sách tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm với tổng nguồn vốn hơn 4,6 tỷ đồng. Trong đó, đã đào tạo nghề cho 863 người, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn gần 3 tỷ đồng. Đầu năm 2021, toàn huyện có 105 hộ nghèo và 159 hộ cận nghèo, đến cuối năm đã giảm 68 hộ nghèo và 93 hộ cận nghèo, đạt 130,8% chỉ tiêu giao. Năm 2022, huyện Đồng Phú phấn đấu giảm 50 hộ nghèo, trong đó có 20 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Trần Thanh Tâm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Phú chia sẻ: “Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả và bền vững, chúng tôi luôn tranh thủ huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực, trên cơ sở rà soát từng đối tượng thụ hưởng để triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hợp lý. Đặc biệt, chúng tôi linh động hỗ trợ đầu tư các chỉ số thiếu hụt, tiếp cận những dịch vụ xã hội cơ bản cũng như lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ từ xã hội hóa thông qua MTTQ và các đoàn thể”.
Xóa đói giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm bằng nhiều giải pháp cụ thể để chăm lo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, vươn lên thoát nghèo. Đây là chính sách xã hội quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trên cơ sở đã đạt được, huyện Đồng Phú đã và đang phát huy những giải pháp, cách làm hay để đời sống người dân ngày một nâng lên, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/132376/tao-sinh-ke-giup-giam-ngheo-ben-vung