Tạo sự chuyển biến đối với người điều khiển phương tiện giao thông

Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đi đôi với công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức là vấn đề được lực lượng CSGT TP HCM hết sức chú trọng.

Hiện tại TP HCM có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó đa phần là xe gắn máy. Ngoài số phương tiện trên còn một lượng lớn phương tiện di động lưu thông từ các tỉnh thành vào TP HCM trong thời gian ngắn.

Con số thống kê cho thấy, năm 2019, toàn thành phố xảy ra 3.407 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 634 người, bị thương 2.406 người. Nguyên nhân dẫn đến TNGT là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông và một phần nguyên nhân là do điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia. Việc xử lý vi phạm đi đôi với công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức là vấn đề được lực lượng CSGT hết sức chú trọng.

Đủ chiêu “đối phó” của ma men khi bị đo nồng độ cồn

Đổi tài, tìm cách bỏ chạy khi gặp chốt đo nồng độ cồn, gợi ý xin bỏ qua hay viện đủ các lý do để tránh phải thổi vào ống thổi, chê ống thổi bẩn hoặc khi thấy số tiền phạt cao hơn giá trị của phương tiện, nhiều “ma men” còn mạnh miệng tuyên bố “bỏ xe” nếu như bị giữ phương tiện. Qua vài ngày thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nhiều tình huống “bất ngờ” khiến các tổ CSGT làm nhiệm vụ phải sử dụng nhiều biện pháp mềm mỏng cũng như cứng rắn mới làm các “ma men” tâm phục khẩu phục.

Đêm 5-1, tại chốt đo nồng độ cồn trên đại lộ Phạm Văn Đồng (đoạn qua quận Thủ Đức, TP HCM) chỉ sau 2h chốt chặn, hàng chục người điều khiển phương tiện (đa số là xe máy) lưu thông trên đường có dấu hiệu bất thường được mời vào chốt thuộc Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT ĐB-ĐS) để đo nồng độ cồn. Nhiều người khi được hỏi đều trả lời có biết Nghị định mới xử phạt người tham gia giao thông say xỉn với mức khá cao… tuy nhiên họ đều viện các lý do không thể chối từ lời mời các bữa tiệc có bia rượu.

Trong đêm một người đàn ông mang quốc tịch Pháp điều khiển xe ôtô chở theo một phụ nữ lưu thông theo hướng từ cầu Bình Lợi về cầu Gò Dưa thì nhận tín hiệu của CSGT yêu cầu dừng xe. Máy đo nồng độ cồn ra mức 0,12 miligam/lít khí thở, người đàn ông này thừa nhận có uống một ly bia.

Người đàn ông này giải thích không có đi nhậu mà chỉ đến cửa hàng mua đồ, người giới thiệu sản phẩm trong cửa hàng mời uống một ly bia nhỏ. Vì nhà gần cửa hàng nhưng không mang theo giấy tờ. Với vi phạm trên người đàn ông quốc tịch Pháp bị xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. Chỉ vì một ly bia quảng cáo bị phạt nặng nên người phụ nữ tỏ ra gay gắt đòi xem nghị định mới. Sau khi dò hết tất cả các mục, người phụ nữ này mới để người đàn ông ký vào biên bản.

Một chuyện khá hi hữu xảy ra trong đêm Tổ CSGT đội Rạch Chiếc lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên xa lộ Hà Nội. Đó là tối 4-1, một nam thanh niên điều khiển ôtô chở theo một phụ nữ khi thấy tổ CSGT đã dừng xe mở cửa và bỏ chạy qua phần đường ngược lại để mặc người phụ nữ lớ ngớ trong xe. Sau hơn 10 phút người thanh niên này được tìm thấy và quay lại điểm đo nồng độ cồn. Nam thanh niên có nồng độ cồn 0,177 miligam/lít khí thở.

Lúc này nam thanh niên xoa đầu, bứt tóc cho biết mình chạy grab, buổi tối có uống một lon bia, trên đường chở chị ruột về nhà thì bị kiểm tra nồng độ cồn. Với mức phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái xe 11 tháng, tạm giữ xe 7 ngày, người thanh niên này than trời vì không còn “cần câu cơm”. Tỏ ra không phục với kết quả đo, nam thanh niên này yêu cầu được thực hiện lại, tổ CSGT đã đồng ý đo lại và nồng độ cồn lần đo thứ 2 có kết quả gần giống kết quả ban đầu.

Lực lượng CSGT Công an TP HCM tổ chức kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường trọng điểm.

Lực lượng CSGT Công an TP HCM tổ chức kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường trọng điểm.

Một cán bộ Phòng CSGT-ĐB-ĐS-Công an TP HCM cho biết, nhiều người khi máy đo phát hiện có nồng độ cồn trong người, xin được xem mức phạt thấy số tiền phạt cao nên không chịu ký vào biên bản và có ý định bỏ luôn phương tiện. Một số khác tìm cách chống chế, viện dẫn luật rồi… xin xỏ. Tuy nhiên các trường hợp này đều bị lập biên bản và tạm giữ phương tiện.

Có trường hợp như L.Q.D (ngụ quận 12) điều khiển xe trong tình trạng say xỉn, loạng choạng nhưng khi yêu cầu thổi vào ống thở, D đã “ngậm” luôn ống thổi. D giở trò nhiều lần buộc tổ CSGT phải thay cán bộ CSGT khác làm việc với D. Phải đến lần thứ 3, tổ công tác mới đo được nồng độ cồn của D, kết quả cho thấy nồng độ cồn của D là 0,636 miligam/lít khí thở. Với lỗi này, D bị phạt 4,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe mô tô 17 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hội-Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc cho biết, trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn theo nghị định mới, các tổ công tác luôn giải thích rõ vi phạm, mức tiền phạt để người vi phạm hiểu. Không chỉ xử phạt, các tổ công tác còn nhắc nhở người vi phạm nên cân nhắc khi sử dụng bia rượu hoặc có giải pháp lưu thông an toàn để tránh tái phạm vì mức phạt rất nặng.

Người dân chấp hành vẫn tốt hơn bị xử phạt

Trước khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, từ đầu năm 2019, Phòng CSGT đã tiên phong trong việc xử lý vi phạm người tham gia giao thông sử dụng bia rượu. Phòng CSGT đã tham mưu cho Công an TP HCM thành lập các tổ chuyên đề xử lý nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế. Với hàng trăm lượt ra quân, trong năm 2019, Phòng CSGT đã xử lý 28.000 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Với việc kiểm tra nồng độ cồn xuyên suốt trên, số vụ TNGT, số người chết, người bị thương giảm đáng kể.

Thượng tá Huỳnh Trung Phong-Trưởng Phòng CSGT ĐB-ĐS-Công an TP HCM cho biết, với kinh nghiệm thực hiện 1 năm kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn TP, khi Nghị định 100/CP có hiệu lực Phòng CSGT đã lập tức ra quân xử phạt theo Nghị định mới. Từ ngày 1 cho đến ngày 5-1, Phòng CSGT đã kiểm tra hơn 2.000 trường hợp, phát hiện gần 200 người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

“Mức phạt và số ngày tước giấy phép lái xe trong Nghị định 100/CP cao hơn so với Nghị định cũ, có một số hành vi xử phạt mới nhưng chúng tôi vẫn vận dụng tốt nhờ đã có kinh nghiệm từ trước. Phòng CSGT không đặt nặng vấn đề xử phạt mà thông qua các đợt tổ chức kiểm tra nồng độ cồn, chúng tôi kết hợp tuyên truyền để người dân hiểu tác hại của bia rượu khi tham gia giao thông.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của mình mà còn ảnh hưởng đến người và các phương tiện tham gia giao thông khác. Mong rằng người dân có những thông tin đầy đủ hơn chia sẻ với chúng tôi, việc áp dụng mức phạt mới tăng nặng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn không phải là cấm sử dụng rượu, bia mà là không cho phép người dân đã uống rượu, bia mà điều khiển phương tiện.”-Thượng tá Huỳnh Trung Phong cho biết.

Các vấn đề thắc mắc khác liên quan đến việc xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 100/CP được Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS-Công an TP HCM giải đáp thắc mắc để người dân hiểu rõ hơn về Nghị định mới. Trong đó, Phòng CSGT xác định uống rượu bia khi tham gia giao thông là tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân. Các thành viên tham gia xử lý vi phạm đều quán triệt Nghị định 100 và nâng cao trách nhiệm của người giữ trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

Không lập các chuyên đề xử lý nồng độ cồn riêng rẽ, Phòng CSGT khi thực hiện các chuyên đề thường phối kết hợp với nhiều lực lượng cùng tham gia, trong đó có CSCĐ, Cảnh sát Hình sự và cả Tổ công tác 363, Công an phường, xã…

Nhiều người vi phạm lo sợ thiết bị thổi, đặc biệt là ống thổi khi nhiều người cùng sử dụng một lúc sẽ dễ bị lây những căn bệnh lây qua đường hô hấp, hơi thở. Về vấn đề này, Phòng CSGT cho biết thiết bị đo nồng độ cồn được sử dụng đạt tiêu chuẩn quốc tế, mỗi người sử dụng để đo nồng độ cồn có một ống thổi riêng và ống thổi này sau khi sử dụng không tái sử dụng lại.

M.Đức

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tao-su-chuyen-bien-doi-voi-nguoi-dieu-khien-phuong-tien-giao-thong-577704/