Tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân
Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thực hiện Đề án 'Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027' (gọi tắt là Đề án 1371), cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai tích cực, toàn diện, rộng khắp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng nhiều hình thức, cách làm phong phú, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả và đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đa dạng hóa
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 (2021-2024) thực hiện Đề án 1371 vừa diễn ra tại Hà Nội, cho thấy: Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1371, công tác quán triệt, tập huấn, triển khai toàn diện, đồng bộ ở các cấp, phù hợp với đối tượng, địa bàn, tình hình nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị Quân đội. Có trên 5.500 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng... được tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, PBGDPL. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật đa dạng.
Qua gần 3 năm triển khai, Ban Chỉ đạo đề án các địa phương, các đơn vị Quân đội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng, duy trì nền nếp, có chiều sâu nhiều mô hình, phong trào và sáng kiến có hiệu quả đã và đang triển khai thực hiện ở cơ sở; điển hình như phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", "Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản", "Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép"; phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", "Dân vận khéo", xây dựng "Đơn vị dân vận tốt"; Chương trình “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân"... Các mô hình: "Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm", "Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên", "Tổ phụ lão, tổ phụ nữ quản lý thôn, bản biên giới", "Thôn, xóm, bản, làng bình yên không có tội phạm ma túy", "Già làng, trưởng bản gương mẫu", "Tiếng kẻng vùng biên", "Tiếng loa Biên phòng", "Nông dân tự quản gắn với giữ gìn bình yên tuyến biến", "Cụm kết nghĩa dân cư hai bên biên giới"... được duy trì thường xuyên, mang lại hiệu quả thiết thực.
Việc tuyên truyền, PBGDPL trong các trường học cũng được đẩy mạnh thông qua triển lãm, trưng bày sách, báo, tranh, ảnh; các mô hình: "Em yêu biển, đảo quê hương", "Biên giới với học đường", "Tiết học biên cương" và tổ chức các giờ học pháp luật cho học sinh và sinh hoạt ngoại khóa, tham quan đường biên, cột mốc biên giới cũng được triển khai rộng khắp ở khu vực biên giới...
Vai trò trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của BĐBP rất có ý nghĩa và hiệu quả
Tại hội nghị trên, tham luận của BĐBP do Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP đã khẳng định: "Trong giai đoạn 1 (2021-2024), BĐBP đã đổi mới nội dung, hình thức, cách thức triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với đặc điểm, tính chất, đối tượng của đề án. Đặc biệt, do BĐBP chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác biên phòng, duy trì thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu... nên cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải am hiểu pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, do tại khu vực biên giới, đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, lạc hậu, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế... nên ít nhiều tác động đến nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL của BĐBP".
Song xác định, công tác PBGDPL là một trong những trọng tâm trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hàng năm, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và các cấp ủy, chủ huy các cấp trong BĐBP đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc để hoàn thành mục tiêu của đề án. Giai đoạn 2021-2024, toàn lực lượng trực tiếp tổ chức hơn 14.000 hội nghị, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật với gần 300.000 lượt người tham dự; phối hợp tổ chức gần 120.000 hội nghị, thu hút hơn 3 triệu lượt người nghe.
Đặc biệt, năm 2023, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam trên internet, thu hút hàng triệu lượt câu trả lời, góp phần lan tỏa sâu rộng quy định pháp luật liên quan đến biên giới và BĐBP trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, đa số người dân cam kết không đưa tàu đến vùng biển nước ngoài khai thác trái phép; tự giác đăng ký bảo vệ đường biên, mốc giới, an ninh thôn bản; tình hình vi phạm pháp luật, tình trạng vượt biên trái phép, tỷ lệ người nghiện ma túy ngày càng giảm...
Thời gian tới, các đơn vị BĐBP tiếp tục phối hợp với địa phương, củng cố, phát triển và duy trì hoạt động của trên 2.000 Câu lạc bộ pháp luật và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; 1.084 Trung tâm tư vấn pháp luật; trên 1.100 Tổ tuyên truyền pháp luật (số lượng từ 7 - 12 người); 9.828 Tổ hòa giải; duy trì hơn 1.000 tủ sách, bình quân mỗi tủ sách có từ 1.000 đến 3.000 cuốn sách các loại và báo, tạp chí. Triển khai tuyên truyền, PBGDPL mỗi tuần từ 1- 2 buổi, vào ngày phiên chợ, tại các bãi ngang, các cảng cá khi ngư dân đi khai thác làm ăn trên biển về... Hải quân nhân dân Việt Nam triển khai mạnh mẽ Chương trình “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển"; Cảnh sát biển Việt Nam tham mưu cho Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương có biển và cơ quan, đơn vị liên quan tại 74 điểm cầu với 3.457 đại biểu; thực hiện Chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân"...
Có thể nhấn mạnh rằng, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1371, với tinh thần chủ động và trách nhiệm, các đơn vị Quân đội nói chung, BĐBP nói riêng đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, phối hợp chặt chẽ với địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 1 của đề án đã đề ra, xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là ở địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Kết thúc giai đoạn 1, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tặng Bằng khen cho 76 tập thể và 88 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án 1371. Trong đó BĐBP có 3 tập thể và 3 cá nhân được tặng Bằng khen gồm: Cục Chính trị BĐBP; BĐBP Tây Ninh; BĐBP An Giang; Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy BĐBP Lai Châu; Thượng tá Đào Mạnh Tưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Sơn La; Thiếu tá Mai Xuân Đạt, Trợ lý Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP.