Tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong bảo vệ môi trường
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, dự thảo Hướng dẫn đẩy mạnh Chương trình phối hợp cần xây dựng và hoàn thiện những mục tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.
Ngày 14/5, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trao đổi và đóng góp ý kiến vào nội dung dự thảo Hướng dẫn đẩy mạnh Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2021-2026).
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả quan trọng, đồng bộ trên nhiều phương diện.
Tiêu biểu là sự phối hợp đồng bộ giữa Mặt trận, ngành Tài nguyên và Môi trường, chính quyền, đoàn thể các cấp, các tổ chức và cá nhân tôn giáo,... trong triển khai hiệu quả nội dung Chương trình phối hợp.
Cách thức triển khai Chương trình phối hợp có nhiều điểm sáng tạo, phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo, đặc điểm tình hình địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần được khắc phục và hoàn thiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình phối hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tôn giáo đã tham gia thảo luận, đánh giá kết quả, kinh nghiệm thực hiện Chương trình phối hợp và đề ra những giải pháp hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn đẩy mạnh Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2026.
Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc ký kết Chương trình phối hợp trong giai đoạn mới là rất cần thiết nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của các bên trong bảo vệ môi trường.
Để nâng cao toàn diện hơn nội dung Chương trình phối hợp, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm hướng dẫn về các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường vào nội dung Chương trình phối hợp cũng như những chế tài xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, trong nội dung Chương trình phối hợp hàng năm cần có sơ kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, trong đó có các tổ chức, cá nhân tôn giáo có nhiều đóng góp, tạo nguồn động viên, khích lệ để các bên tích cực hưởng ứng thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, các tôn giáo đã xây dựng được nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của đa số chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, dự thảo Hướng dẫn đẩy mạnh Chương trình phối hợp cần xây dựng và hoàn thiện những mục tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với kế hoạch và chiến lược bảo vệ môi trường, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng, hướng đến phát huy vai trò của các tôn giáo trong tham gia thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trao tặng Bằng khen cho Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận năm 2020.