Tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, làm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, việc Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất kịp thời và cần thiết. Khẳng định điều này tại phiên thảo luận tổ chiều qua, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, cần làm rõ hơn nữa nội hàm các chính sách, đối tượng thụ hưởng để bảo đảm chính sách khi ban hành sẽ sát với thực tiễn, thực sự đến đúng đối tượng, đem lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương:
Nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả
Kết luận của Bộ Chính trị đã nêu một số yêu cầu như: điều chỉnh linh hoạt một số chỉ tiêu về tài chính quốc gia; vay trả nợ công; bội chi ngân sách nhà nước; giảm thuế, phí, lệ phí; sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để nhập khẩu thuốc, vaccine và trang thiết bị vật tư y tế trong 2 năm để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nhưng phải gắn với các giải pháp để phấn đấu đạt được các chỉ tiêu tài chính quốc gia 5 năm. Cùng với đó là điều hòa linh hoạt kế hoạch vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vào nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tức là chúng ta có cả điều hành của 5 năm và có thêm 72.000 tỷ đồng của gói chính sách tài khóa, tiền tệ để đẩy nhanh các hạng mục công trình kể cả hạ tầng cơ sở giao thông, hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục, đào tạo, hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung (trong đó có chuyển đổi số) và tạo sức lan tỏa thúc đẩy tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị, tôi cho rằng, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải thiết kế sao cho nhanh chóng, kịp thời. Muốn vậy, các giải pháp phải sát với thực tiễn, thực sự đến từng đối tượng, đem lại hiệu quả trên thực tế, tạo sự lan tỏa đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Kỳ họp này, Chính phủ cũng trình Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng một số chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình gồm: chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường (chỉ nhằm thực hiện dự án), không phải thực hiện thủ tục cấp phép; phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc đi qua địa bàn theo hình thức đầu tư công...
Tuy nhiên, các nội dung trên còn có ý kiến khác nhau. Vấn đề là, những nội dung này thuộc thẩm quyền của ai. Có những chính sách Chính phủ đã làm rồi, tại sao phải xin ý kiến Quốc hội thí điểm? Ví dụ chỉ định thầu hay với khai thác mỏ cũng có trường hợp làm rồi sao vẫn xin ý kiến Quốc hội? Và những nội dung này có thuộc thẩm quyền của Quốc hội không? Hay chính sách ủy quyền cho một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc đi qua địa bàn theo hình thức đầu tư công. Thực tế, giai đoạn 2016 - 2020 cũng có giao một số địa phương có năng lực thực hiện vấn đề này nhưng chủ yếu là các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), các dự án hoàn toàn vốn nhà nước thì chưa có. Trong khi đó, cao tốc Bắc - Nam là công trình đặc biệt quốc gia, ủy quyền cho địa phương thì có nên không? Qua nhiều lần xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng 3 cơ chế này.
ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ):
Ưu tiên các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn
Về giải pháp tài khóa, tôi cơ bản thống nhất với tổng quy mô chính sách tài khóa là 291 nghìn tỷ đồng như đề xuất của Chính phủ và đề nghị một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, thống nhất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhưng không chỉ giảm đối với hàng hóa áp thuế GTGT ở mức 10% mà cần rà soát các nhóm hàng hóa đang áp thuế GTGT ở mức 5%. Trên cơ sở đó, xem xét những hàng hóa, dịch vụ, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 cũng như một số hàng hóa, dịch vụ cần được khuyến khích sản xuất, tiêu dùng để giảm thuế. Chính phủ đang đề xuất mức giảm 2% so với mức thuế suất 10%. Trước đây chúng ta đã có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm 3% thuế GTGT tăng tương ứng với thuế suất 10%, tương đương với mức giảm 30%. Đề nghị nghiên cứu theo hướng giảm 30% như Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng trong hai tháng cuối năm 2021, để thuận tiện cho các doanh nghiệp trong việc điều chỉnh các chương trình quản trị như phần mềm kế toán, các phần mềm xuất hóa đơn. Đồng thời, nên nghiên cứu một số phương pháp hoàn thuế cho người tiêu dùng đối với các trường hợp có hóa đơn để hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng và khuyến khích việc sử dụng hóa đơn.
Thứ hai, về cấp bù lãi suất và phí quản lý cho ngân hàng chính sách xã hội, đề nghị cần làm rõ hơn, cụ thể hơn về các khoản tiền tín dụng chính sách xã hội và lãi suất thuộc chương trình, để cụ thể hóa trong dự thảo Nghị quyết, làm căn cứ cho Quốc hội xem xét thông qua và bảo đảm có căn cứ cho việc kiểm tra, giám sát thực hiện sau này.
Về hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thống nhất về đối tượng hỗ trợ với mức hỗ trợ lãi suất 20% như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, cần công khai, minh bạch hơn về các điều kiện được hỗ trợ để bảo đảm áp dụng thống nhất trong cả nước. Đồng thời, làm rõ hơn một số trường hợp như cho vay đảo nợ thì có được hỗ trợ lãi suất hay không? Nếu chỉ áp dụng với khoản vay mới thì cũng phải làm rõ về tăng trưởng tín dụng, khả năng cho vay của ngân hàng thương mại đối với các trường hợp hỗ trợ lãi suất.
Về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tôi thống nhất với mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ như dự thảo Nghị quyết. Về nguồn lực, Chính phủ dự kiến sử dụng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, tôi đề nghị Chính phủ làm rõ hơn vì tại Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 có đánh giá ngân sách trung ương sẽ hụt thu khoảng 28 - 29.000 tỷ đồng. Liệu ngân sách trung ương có bảo đảm tăng thu để sử dụng 66 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động thuê nhà không?
Về giải pháp đầu tư phát triển cấu hạ tầng, tôi thống nhất phải tập trung vốn đầu tư hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, đào tạo nghề, chuyển đổi số. Bên cạnh thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, hệ thống y tế cơ sở, đào tạo nghề, chuuyển đổi số, cần ưu tiên bố trí cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đối với các dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đề nghị không bố trí vì khi chúng ta xây dựng kế hoạch đã xác định đây là dự án rất cần thiết rồi, chúng ta phải dồn cho các dự án trong kế hoạch trung hạn nhằm đẩy nhanh tiến độ, khả năng hoàn thành của các dự án.
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái):
Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết
Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế VAT với mức giảm 2%. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức giảm này vẫn còn thấp, chưa thể có tác dụng kích cầu thực sự đối với người tiêu dùng. Đề nghị tăng mức giảm thuế VAT lên 3% như áp dụng theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 cho giảm 30% thuế VAT đến ngày 31.12.2021 đối với một số mặt hàng. Đối với trường hợp đánh giá tác động lớn đến cân đối ngân sách thì có thể rà soát thu hẹp diện được miễn giảm thuế VAT.
Tôi cũng tán thành với phương án 1 của Chính phủ về việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiền và hiện vật. Thực tế, chính sách này đã được Quốc hội cho phép áp dụng trong hai năm 2020 và 2021. Đồng thời cũng nhằm khuyến khích để huy động các nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch.
Đối với các khoản chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, Chính phủ dự kiến chi trực tiếp ngân sách nhà nước là 176 nghìn tỷ đồng, trong đó dành phần lớn để đầu tư phát triển hạ tầng khoảng gần 114 nghìn tỷ đồng và 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Việc có gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vào thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, đặc biệt ưu tiên cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Do đó, tôi nhất trí việc hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, làm rõ đối tượng, phạm vi được hỗ trợ, quy định cụ thể điều kiện cũng như các thủ tục đơn giản để người vay vốn dễ tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất đồng thời kiểm soát chặt chẽ, tránh bị lợi dụng chính sách, nhất là việc lợi dụng để sử dụng dòng vốn này sang các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản thay vì đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, theo báo cáo của Chính phủ, ngoài dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến bố trí vốn cho một số dự án đường bộ cao tốc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, một số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư. Việc này có thể dẫn đến khó có thể giải ngân được ngay trong năm 2022, 2023. Do đó, cần tiếp tục rà soát để có thể điều hòa nguồn vốn đầu tư công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn vốn của Chương trình này cho các dự án trọng điểm đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đặc biệt là các dự án giao thông kết nối có tính lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng và những dự án có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Từ đó, đề nghị Chính phủ rà soát, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án giao thông kết nối vùng miền núi phía Bắc cũng như Tây Nguyên, vùng Tây Nam Bộ.