Tạo sức bật cho nuôi trồng thủy sản

Khai thác tiềm năng, lợi thế trên 20.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La, cùng hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển, nhân rộng mô hình nuôi cá lồng thương phẩm. Hiện toàn tỉnh có gần 2.800 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng ước đạt trên 8.800 tấn/năm.

Phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại huyện Quỳnh Nhai.

Phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại huyện Quỳnh Nhai.

Ảnh: Lò Linh

Ngày 14/7/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TU về nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2015-2020. Cụ thể hóa Nghị quyết, HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ gần 19 tỷ đồng làm 3.793 lồng cá cho 50 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn các huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Phù Yên, Mộc Châu, Vân Hồ; xây dựng 39 cơ sở sản xuất cá giống các loại; thành lập 73 doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; hỗ trợ hình thành và phát triển 17 chuỗi cung ứng các loại cá an toàn. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố và trao Bằng chứng nhận nhãn hiệu “Cá sông Đà – Cá tầm Sơn La” cho tỉnh. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật thủy sản được quan tâm đầu tư; trong đó, đã xây dựng, bàn giao cảng cá tại bản Đỉa, xã Chiềng Bằng cho huyện Quỳnh Nhai quản lý, khai thác sử dụng; hoàn thành Dự án xây dựng trung tâm sản xuất giống cá tầm tại bản Nà Tòng, xã Hua Trai (Mường La). Để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hằng năm, tỉnh ta tiến hành rà soát, cập nhật danh mục sản phẩm thủy sản vào kế hoạch xúc tiến thương mại; tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi trồng, kinh doanh thủy sản tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, HTX của Sơn La với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Dương Văn Biểng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ lồng nuôi cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội các cấp về nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản được nâng cao; đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa. Cơ bản hình thành và nhân rộng một số mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả kinh tế cao, như: Cá tầm, ba ba, cá chiên, cá lăng, trắm đen, nuôi trai lấy ngọc... Đến nay, nghề nuôi cá lồng đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân, đem lại thu nhập ổn định từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha nuôi trồng thủy sản đạt trên 120 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá tầm của Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La tại xã Mường Trai (Mường La).

Mô hình nuôi cá tầm của Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La tại xã Mường Trai (Mường La).

Cùng với việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản, hưởng ứng Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, giai đoạn 2015-2020, các tổ chức, cá nhân đã thả gần 1,8 triệu con cá giống các loại vào hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Sông Mã và các lưu vực tự nhiên. Đồng thời, tổ chức các đợt phổ biến, tuyên truyền quy định của Nhà nước về khai thác thủy sản; tác hại của việc khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc. Tuy nhiên, phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, như: Tỷ trọng ngành thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp hạn chế; chưa hình thành các cơ sở chế biến thủy sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu đầu vào; phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế; mặt hàng thủy sản của tỉnh chưa có thị trường xuất khẩu...

Để nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm các công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ môi trường... Ưu tiên phát triển các loại thủy sản có lợi thế, giá trị kinh tế, tiềm năng xuất khẩu cao. Phát triển thủy sản trên cơ sở tái cơ cấu ngành thủy sản, gắn với phát triển du lịch bền vững. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, Sơn La trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng Tây Bắc, có sản phẩm thủy sản xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, hướng tới phát triển thủy sản bền vững.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tao-suc-bat-cho-nuoi-trong-thuy-san-33566