Tạo sức bật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2021 - 2025; giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.
Your browser does not support the audio element.
Tổng nguồn vốn thực hiện trong giai đoạn I tối thiểu là 137.664 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK); đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK.
Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đây là chương trình MTQG đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào các DTTS. Thực hiện chương trình nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện GD&ĐT, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống Nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc…
Để kịp thời xây dựng đề án và phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi Hòa Bình giai đoạn 2021-2030 theo chỉ đạo của T.Ư, và để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã có Công văn số 1487, ngày 1/9/2020 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng KT-XH vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030; xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ các thành viên BCĐ, đề xuất lập Văn phòng điều Chương trình cấp tỉnh sau khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư.
Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có 10 dự án (trong đó có 10 tiểu dự án), gồm: (1) Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. (2) Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. (3) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. (4) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc. (5) Phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. (6) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. (7) Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. (8) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. (9) Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. (10) Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
Tỉnh ta có rất đông đồng bào các DTTS sinh sống. Theo công bố kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019 của tỉnh Hòa Bình, tính đến thời điểm 1/4/2019, toàn tỉnh có 634.725 người DTTS, chiếm 74,3% tổng dân số, với 45 DTTS cùng chung sống, trong đó có 5 dân tộc chính là: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông.
Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: Những năm qua, việc đầu tư, hỗ trợ cho vùng DTTS trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi và góp phần phát triển KT-XH, nhất là tại các xã ĐBKK. Đời sống, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng cao. Kết cấu hạ tầng cơ sở được cải thiện rõ rệt. Các cấp, các ngành, địa phương đã tăng cường phối hợp triển khai thực hiện công tác dân tộc, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào các DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, do tỉnh ta điều kiện tự nhiên khó khăn, địa hình phức tạp, diện tích đồi núi lớn, thiếu đất sản xuất, dân trí không đồng đều…, tốc độ phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS chưa theo kịp với tốc độ phát triển chung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Khoảng cách về thu nhập, đời sống, y tế của đồng bào vùng dân tộc miền núi so với các vùng khác có sự chênh lệch; mức sống, chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân thấp. Số người DTTS không tham gia BHYT còn cao; tình trạng tảo hôn khá nhiều. Nguồn kinh phí của tỉnh hạn hẹp, việc lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao...
Từ thực tế cho thấy, tới đây, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và tạo đà cho vùng đồng bào DTTS trong tỉnh phát triển nhanh, bền vững.