Tạo sức bật từ phong trào thi đua dân vận khéo
Phong trào thi đua 'Dân vận khéo' trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên hưởng ứng tham gia. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động, phong trào thi đua, yêu nước.
Trong năm 2024, toàn tỉnh có 8 tổ chức, cơ quan, đơn vị đề nghị xét, xác nhận điển hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh cho 34 mô hình “Dân vận khéo” (30 mô hình tập thể, 4 mô hình cá nhân). Trong đó, TP. Điện Biên Phủ 13 mô hình; Nậm Pồ 2 mô hình; Tuần Giáo 2 mô hình; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 3 mô hình; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh 3 mô hình…
Các mô hình điển hình đã có trên nhiều lĩnh vực: Xây dựng hệ thống chính trị; thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, xã hội; chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo vệ an ninh Tổ quốc… Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, giải quyết những vấn đề, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, động viên và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Nổi bật như mô hình “Nhóm sở thích chăn nuôi tổ hội nghề nghiệp” của Hội Nông dân xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo). Ông Quàng Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: Hội đã đổi mới phương thức tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với từng mô hình, khu dân cư nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của các tổ chức thành viên, hội viên và nhân dân; phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội xuống bản họp dân, tuyên truyền vận động nhân dân về tổ chức, triển khai, thực hiện mô hình. Đến nay, đã thành lập và duy trì được 2 nhóm sở thích chăn nuôi với 51 thành viên; 3 tổ hội nông dân nghề nghiệp có 30 thành viên. Các thành viên trong tổ được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi; giúp đỡ lẫn nhau về vốn, giống, cây con… thu hút sự tham gia vào nhóm cùng sở thích, tổ hội nông dân nghề nghiệp để phát triển kinh tế.
Được củng cố, kiện toàn trong tháng 12/2021, mô hình tổ dân vận cơ sở ở Nậm Pồ duy trì hoạt động thường xuyên, trải khắp trong 121 bản. Các tổ dân vận thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, lực lượng vũ trang và bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, người có uy tín ở các bản để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, động viên nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Bà Lò Thị Lên, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Không chỉ bám, nắm địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền, các tổ dân vận thường xuyên xuống cơ sở, hỗ trợ các bản phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân… Tiêu biểu như tổ dân vận cơ sở xã Si Pa Phìn tuyên truyền, phát triển mô hình trồng cây chanh leo. Tổ dân vận cơ sở bản Nậm Chua 5 (xã Nậm Chua), bản Sân Bay, bản Tân Lập (xã Si Pa Phìn), bản Cấu, Nà Cang (xã Chà Nưa) triển khai thành công mô hình trồng bí xanh, bí đỏ, bí đao; kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa nước…
Các tổ dân vận cơ sở đã nỗ lực vận động xã hội hóa, hỗ trợ, tặng quà các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như tổ dân vận cơ sở bản Mốc 4 (xã Nậm Tin) kêu gọi hỗ trợ trồng quế cho 3 hộ với 5.000 cây giống; tặng 50 áo ấm cho học sinh; tổ dân vận cơ sở bản Pắc A1 kết nối, đóng góp, hỗ trợ bản lắp 12 bóng đèn năng lượng mặt trời… Từ những việc làm, hoạt động cụ thể của các tổ dân vận cơ sở đã góp phần xây dựng các mô hình sinh kế mới, tiếp thêm động lực để người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống (năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Nậm Pồ giảm còn 37,65%).
Đảng viên Trần Bá Quảng, chi bộ tổ dân phố 19, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế với mô hình nuôi ba ba gai, tôm càng xanh, cá trắm giòn. Mô hình thực hiện theo quy mô trang trại, có diện tích 12.000m2; nuôi khoảng 1.500 con ba ba gai, 9.000 con tôm càng xanh, 50 con cá trắm giòn. Năm 2024 dự kiến thu được 0,55 tấn ba ba; 1,01 tấn tôm; 0,35 tấn cá tương đương với số tiền 588 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mang lại nguồn thu nhập 230 triệu đồng. Mô hình đã góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; tạo việc làm cho 3 lao động, mô hình có tính bền vững và có khả năng nhân rộng tại địa phương.
Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy cao độ nguồn lực, sức mạnh của nhân dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, tiếp tục xây dựng quê hương Điện Biên ngày càng phát triển bền vững.