Tạo sức hút các 'đại bàng' công nghệ
Với việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện cùng những kết quả quan trọng đạt được sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao đã mở ra, nhất là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH-ĐT, xung quanh những cơ hội hợp tác này.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ mới đây, các cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có NIC, đã ký hợp tác với một số tập đoàn của Hoa Kỳ về thúc đẩy năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm và đào tạo nhân lực sản xuất chip bán dẫn, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Ông cho biết cụ thể thêm về những nội dung hợp tác vừa ký kết?
* Ông VŨ QUỐC HUY: Vừa qua, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, NIC đã ký kết với các đối tác Hoa Kỳ 3 biên bản ghi nhớ hết sức có ý nghĩa.
Thứ nhất là ghi nhớ giữa NIC và Synopsys hỗ trợ phát triển trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Thỏa thuận thứ hai là với Cadence Design Systems (Nasdaq: CDNS) nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử tại Việt Nam. Thông qua hợp tác này, NIC sẽ cung cấp cho các trường đại học, trung tâm đào tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam công nghệ và chương trình đào tạo cần thiết để thiết kế, phát triển sản phẩm ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ ba, thông qua thỏa thuận với Đại học bang Arizona (ASU), chúng tôi sẽ hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam hoặc các tổ chức giáo dục khác để phát triển các chương trình đào tạo, trao đổi nghiên cứu liên quan đến chất bán dẫn và các lĩnh vực liên quan; tìm kiếm và khai thác các nguồn tài trợ thích hợp nhằm phát triển năng lực của lực lượng lao động trong lĩnh vực bán dẫn.
- Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện. Cùng với nhiều động thái mới đây, bao gồm cả những thỏa thuận hợp tác mà NIC vừa ký kết, ông nhận định gì về tiềm năng thu hút đầu tư từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này?
* Trong 3 năm qua, Hoa Kỳ với thị phần 17%, đã thay thế khu vực nội khối ASEAN (14%) để trở thành quốc gia đầu tư FDI lớn nhất trong khu vực. Một phần lớn FDI từ nước này chảy vào ngành sản xuất tiên tiến. Việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện mở ra cơ hội có tính chất chiến lược cho Việt Nam. Sự có mặt của các “đại bàng” công nghệ cao sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh, từ đó hình thành và mở rộng hệ sinh thái công nghệ, tạo hiệu ứng lan tỏa.
Tuy nhiên xin nói thêm là không chỉ có các đối tác Hoa Kỳ, NIC còn có một hệ thống đối tác lớn từ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu nên trong quá trình hoạt động, chúng tôi vừa tích lũy những kinh nghiệm, vừa khai thác được các thế mạnh về công nghệ, và quản trị của họ.
- Vai trò của NIC ra sao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo?
* NIC là đơn vị trực thuộc Bộ KH-ĐT, được thành lập năm 2019 với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ. Trung tâm được xây dựng với mô hình, thông lệ tiên tiến nhất, phù hợp với bối cảnh Việt Nam, có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế.
Tháng 10 tới đây, chúng tôi tổ chức khánh thành cơ sở hoạt động mới của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. NIC Hòa Lạc có diện tích gần 5ha, có 2 tòa nhà làm việc với 6 tầng mỗi tòa. Chúng tôi xây dựng tại đây các phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, đặc biệt sẽ có trung tâm ươm tạo thiết kế chip với những công nghệ tiên tiến của các đối tác lớn. Doanh nghiệp, đối tác làm việc tại đây, tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của NIC sẽ được hưởng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thị thực…
- Việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ mở ra nhiều cơ hội hợp tác để phát triển kinh tế. Tuy nhiên để những hợp tác đó mang lại hiệu quả, theo ông cần những chính sách gì và NIC xác định vai trò của mình ra sao?
* Trong thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ ngành đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Cơ chế chính sách cho đổi mới sáng tạo cũng đã được thể hiện ở một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 94 về cơ chế chính sách hỗ trợ NIC. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần tiếp tục tháo gỡ một số khó khăn liên quan đến huy động vốn đầu tư mạo hiểm, vốn đầu tư của cộng đồng cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt là cần tháo gỡ các cơ chế, nút thắt về môi trường đầu tư kinh doanh, về pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam, từ đó mới có thể khuyến khích được các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư cho doanh nghiệp, các dự án startup, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó là phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo nói chung cũng như nguồn nhân lực cho một số ngành, lĩnh vực trọng tâm nói riêng. Thời gian qua, NIC đã thực hiện rất nhiều chương trình phát triển nhân lực, phối hợp với các đối tác lớn như Google, Meta… để triển khai các hoạt động thúc đẩy nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho người lao động, sinh viên về đổi mới sáng tạo. Chúng tôi cũng xác định thời gian tới sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động và phát triển nguồn lực nhân lực trong những lĩnh vực trọng tâm mà Việt Nam chưa đào tạo chuyên sâu như công nghiệp bán dẫn.
Nhìn chung, cần phải phát triển nhiều hơn nữa các tổ chức, các trung tâm để hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Bên cạnh NIC, các doanh nghiệp, địa phương cũng nên xây dựng và phát triển các mô hình tương tự để tạo nên một làn sóng, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-suc-hut-cac-dai-bang-cong-nghe-post706937.html