Tạo sức hút du lịch từ các lễ hội truyền thống

Trải nghiệm du lịch xứ Thanh không thể không nhắc đến các lễ hội truyền thống dân gian. Đặc biệt, tháng 2 âm lịch là thời điểm các địa phương rộn ràng tổ chức lễ hội, đây cũng là dịp để du khách hòa mình và khám phá những nét văn hóa truyền thống xứ Thanh.

Màn “kiệu bay” tại Lễ hội Đền Bà Triệu. Ảnh: ĐX

Màn “kiệu bay” tại Lễ hội Đền Bà Triệu. Ảnh: ĐX

Hiện nay, xu hướng du lịch tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của từng địa phương, cộng đồng dân cư đang ngày càng thu hút du khách. Sự phát triển của xu hướng này làm phong phú thêm trải nghiệm cho các loại hình du lịch, như: du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, du lịch về nguồn...

Xứ Thanh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ của 7 dân tộc. Mỗi vùng đất hay tộc người trên mảnh đất này đều mang bản sắc văn hóa riêng, được phản ánh qua lễ hội và các hoạt động của lễ hội. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện Thanh Hóa có khoảng 300 lễ hội lớn nhỏ. Hoạt động lễ hội rất phong phú, đa dạng với nhiều màu sắc và không kém bất kỳ vùng, miền nào của đất nước. Trong đó, có các lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử như: Lê Lợi, Lê Hoàn, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành; các lễ hội gắn với tục thờ Mẫu Thượng Ngàn ở Cửa Đặt (Thường Xuân), Phủ Na (Như Thanh), Phố Cát (Thạch Thành); lễ hội gắn với hiện tượng tự nhiên, nhân vật huyền thoại, thành hoàng làng, đặc biệt là các tổ nghề, như nghề đúc đồng làng Trà Đông (Thiệu Hóa), nghề đan dệt xăm súc làng Triều Dương (TP Sầm Sơn)... Phần lớn, lễ hội được tổ chức vào mùa xuân. Mỗi lễ hội có những trò chơi, trò diễn đặc sắc riêng, mang tính biểu tượng vùng miền. Bởi vậy, tham gia lễ hội, du khách không những được hòa mình vào không khí vui tươi, rộn rã mà còn hiểu thêm về nét đẹp, bản sắc văn hóa của người dân địa phương.

Một trong những lễ hội đầu xuân, thu hút đông đảo khách thập phương đến tham dự là Lễ hội Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), diễn ra từ ngày 20 - 23/2 âm lịch hàng năm. Với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như lễ mộc dục, tế lễ, rước kiệu, tế nữ quan, tế phụng nghinh, rước bóng, hội trận tại đình làng Phú Điền,... những năm qua, lễ hội là dịp để du khách trong tỉnh đến khám phá và trải nghiệm. Anh Nguyễn Hải Nam, du khách đến từ TP Thanh Hóa hào hứng chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi được tham gia một lễ hội đông vui, náo nhiệt như thế, đặc biệt là màn “kiệu bay” thật độc đáo, du khách tham quan đều trầm trồ và thán phục”.

Lễ rước kiệu trong Lễ hội Cầu Phúc đền Độc Cước. Ảnh: Phong Vân

Lễ rước kiệu trong Lễ hội Cầu Phúc đền Độc Cước. Ảnh: Phong Vân

Trong 3 ngày, lễ hội đã có hàng nghìn du khách đến chơi, tham quan. Ngoài lễ chính, tại di tích còn trưng bày pano, ảnh giới thiệu về các di sản văn hóa xứ Thanh, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, cùng các di tích tiêu biểu của huyện Hậu Lộc.

Một lễ hội đặc sắc nữa đó là Lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước (TP Sầm Sơn). Lễ hội diễn ra vào ngày 16/2 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công lao của thần Độc Cước cùng các bậc tiền nhân và cầu mong một năm mới “mưa thuận, gió hòa”, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền, cuộc sống no đủ, cầu cho du lịch của TP Sầm Sơn ngày càng phát triển. Đây là một trong những lễ hội lớn của TP Sầm Sơn thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự. Chị Nguyễn Thị Hòa, du khách đến từ TP Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia Lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước. Tôi và những người bạn đã tham gia đoàn rước kiệu, xem tế lễ... Chúng tôi cũng đã được thưởng thức những đặc sản địa phương, được nghe kể những câu chuyện về biển... Những trải nghiệm rất thú vị”.

Cũng tại lễ hội này, du khách còn được thử sức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao như kéo co, đua xe đạp đôi vượt chướng ngại vật, cờ tướng, cờ thẻ, vật tay... Được biết, đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của TP Sầm Sơn hè 2025.

Lễ hội truyền thống đã làm phong phú thêm sản phẩm du lịch tỉnh nhà. Trong đó, một số lễ hội cũng đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch. Khi khách du lịch đến với lễ hội sẽ “kéo” theo một số nhu cầu thiết yếu như đi lại, lưu trú, nghỉ dưỡng, mua sắm, giải trí,... từ đó thúc đẩy phát triển dịch vụ tour, dịch vụ di chuyển, ẩm thực...

Đồng thời, thông qua các lễ hội văn hóa truyền thống sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, con người và những món ẩm thực phong phú, đa dạng, hấp dẫn của Thanh Hóa. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

PHAN THỊ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tao-suc-hut-du-lich-tu-cac-le-hoi-truyen-thong-36320.htm