Tạo sức mạnh nội sinh

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường tiêu dùng nội địa trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng trưởng, phát triển ổn định. Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của thị trường trong nước với sự phát triển của nền kinh tế Thủ đô.

Thời gian qua, vượt qua những tác động xấu của dịch Covid-19, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội năm 2020 vẫn tăng 7,9% so năm 2019; còn 2 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả tích cực trên có được là nhờ sự linh hoạt ứng phó của thành phố Hà Nội trong tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa. Theo đó, hàng loạt hoạt động kích thích tiêu dùng nội địa được tổ chức với cách thức mới, phù hợp thực tiễn, như tổ chức 2 đợt khuyến mãi tập trung vào tháng 6, 7 và tháng 11-2020 thay vì tổ chức một lần vào tháng 11 như mọi năm; đẩy mạnh việc kết nối sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp Thủ đô với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khác, giúp thị trường hàng hóa dồi dào, việc tiêu thụ thêm phần thuận lợi...

Trong khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khai thác thị trường nội địa tiếp tục là hướng đi được Hà Nội chú trọng để khơi thông thị trường, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.

Dù có nhiều dư địa, nhưng yếu tố căn cơ, lâu dài bảo đảm cho sự phát triển bền vững vẫn là cộng đồng doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Muốn vậy, doanh nghiệp nên đầu tư bài bản, để sản phẩm làm ra ngày càng chất lượng, giá cả hợp lý. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có độ mở lớn thì vấn đề này càng quan trọng để hàng hóa nội địa có thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập ngay trên “sân nhà”. Để mở rộng kênh tiêu thụ, đồng thời thích ứng với tình hình mới, doanh nghiệp cần chủ động chuyển hướng, đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử... Làm được như vậy thì dù gặp khó khăn, trở ngại gì, thị trường tiêu thụ trong nước vẫn luôn là “bến đỗ” an toàn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ở khía cạnh khác, thị trường nội địa được khơi thông như thời gian qua không thể không kể đến sự ủng hộ của người tiêu dùng thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Do đó, đây vẫn là chương trình quan trọng mà các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố cần tiếp tục triển khai, lồng ghép với hoạt động kích cầu tiêu dùng theo hướng thực chất, hiệu quả, mang lại quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Song song đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác quản lý thị trường; xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng...

Mặt khác, để hàng hóa nội địa tiêu thụ thuận tiện, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối và mô hình kinh doanh. Đẩy mạnh hơn việc kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa giữa cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tạo sự đa dạng, phong phú về chủng loại hàng hóa. Và để dòng chảy hàng hóa thông thương thì hạ tầng thương mại như chợ truyền thống, siêu thị… cần được đầu tư, cải tạo để hệ thống phân phối này ngày càng văn minh, tiện lợi hơn.

Kích cầu tiêu dùng nội địa không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh có dịch Covid-19, mà còn là chiến lược dài hơi để nâng tầm vị thế cho hàng hóa Việt trong tiến trình hội nhập. Đó là lộ trình phù hợp, góp phần tạo ra sức mạnh nội sinh cho nền kinh tế Thủ đô.

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/993609/tao-suc-manh-noi-sinh