Tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi công tác hậu cần Quân đội

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, các tổ chức hậu cần đầu tiên của Quân đội đã được thành lập, như Phòng Quân nhu, Phòng Quân giới, Ban y tế Vệ Quốc đoàn. Ở Nam Bộ, các tổ chức tiếp tế và cứu thương cũng được hình thành để phục vụ các LLVT chiến đấu.

Bằng các phong trào như “Tuần lễ vàng”, “Mùa đông binh sĩ”, hay “Quỹ Độc lập”, “Đồng tiền cứu nước”, ngành hậu cần Quân đội (HCQĐ) đã là lực lượng nòng cốt tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương dựa vào nhân dân để huy động vật chất hậu cần cho hoạt động tác chiến của Quân đội. Cũng từ đây, tư tưởng hậu cần nhân dân sớm được hình thành.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh gồm 3 cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Nhiệm vụ của Tổng cục Cung cấp là quản trị, trang bị, cấp dưỡng Quân đội và sản xuất quốc phòng. Tổng cục Cung cấp gồm các cục: Quân lương, Quân trang, Quân y, Quân giới, Vận tải, Quân vụ và Phòng Quân khí. Từ đây, ngành HCQĐ được tổ chức thành hệ thống, thống nhất về chỉ huy, chỉ đạo công tác hậu cần toàn quân.

Ngay sau khi được thành lập, Tổng cục Cung cấp-nay là Tổng cục Hậu cần (TCHC)-nhanh chóng phát triển lực lượng, tổ chức bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho các chiến dịch có quy mô ngày càng lớn, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhìn thấu toan tính của kẻ thù, trưởng thành vượt bậc qua từng giai đoạn cách mạng, ngành HCQĐ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ BĐHC, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã trở thành bài học vô giá cho ngành HCQĐ về hậu cần nhân dân, về tổ chức chỉ huy BĐHC trong chiến dịch, chiến đấu, trở thành hành trang trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành HCQĐ.

 Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần và các đại biểu dự Lễ đặt ky tàu vận tải xăng dầu 3.000 tấn tại Nhà máy Z173, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: THÁI HIỀN

Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần và các đại biểu dự Lễ đặt ky tàu vận tải xăng dầu 3.000 tấn tại Nhà máy Z173, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: THÁI HIỀN

Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 7-1954, Hiệp định Geneva được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Miền Bắc được hòa bình, độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng ở miền Nam, Mỹ hất cẳng Pháp, thực hiện dã tâm xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của mình.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, ngành HCQĐ nhanh chóng được củng cố, tăng cường lực lượng; phương thức BĐHC có bước phát triển. Hậu cần chiến lược nối liền hậu phương với tiền tuyến; hậu cần quốc gia với nguồn chi viện quốc tế. Trong đó, sự liên hoàn của hậu cần Trung ương, hậu cần địa phương, mà nòng cốt là HCQĐ phát triển ngày càng vững chắc. Hậu cần tại chỗ trên chiến trường miền Nam cũng được tổ chức sáng tạo, hiệu quả; kết hợp linh hoạt nhiều phương thức, biện pháp bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu ngay cả trong điều kiện bị địch bao vây, chia cắt, đánh phá ác liệt, bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Sau chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với toàn quân, ngành HCQĐ lại bảo đảm cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và BĐHC cho các đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, khu vực trọng điểm...

Bước vào thời kỳ đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành HCQĐ đã chủ động nghiên cứu đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế của Nhà nước. TCHC đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng chiến lược và các kế hoạch BĐHC trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Gắn công tác BĐHC với phát triển kinh tế từng địa phương, xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ, phát huy sức mạnh hậu cần nhân dân phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tổng cục Cung cấp có trách nhiệm giúp xây dựng Quân đội. Các ngành và các cán bộ nên ký với nhau những giao ước thi đua để mọi người đều ra sức làm tròn nhiệm vụ”, năm 1995, TCHC đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát động Phong trào thi đua “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy”. Qua gần 30 năm triển khai, phong trào được toàn quân sôi nổi hưởng ứng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, tạo động lực để ngành HCQĐ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Những năm gần đây, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có bước phát triển mới, yêu cầu BĐHC ngày càng cao, song quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, bám sát sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, công tác HCQĐ luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc các chương trình, mục tiêu lớn của ngành; củng cố, xây dựng tiềm lực và thế trận hậu cần của nền quốc phòng toàn dân, hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ có bước phát triển mới.

Toàn ngành luôn bảo đảm tốt hậu cần cho sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... chủ động, sáng tạo BĐHC cho các nhiệm vụ. Các đơn vị đã phát huy tốt nội lực và thế mạnh vùng miền, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, giữ ổn định và không ngừng nâng cao đời sống bộ đội.

Bên cạnh đó, ngành HCQĐ còn tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành HCQĐ đã nỗ lực cùng cả nước chống dịch với phương châm “Chống dịch như chống giặc”. Trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần, nhất là chiến sĩ quân y không quản ngại hiểm nguy, tận tình cứu chữa, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, làm cho phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong thời kỳ mới.

Có thể khẳng định, những chiến công, thành tích của ngành HCQĐ nói chung, TCHC nói riêng in đậm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, mà thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng; sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, sự che chở, đùm bọc của nhân dân cả nước và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ trong sáng của bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, truyền thống vẻ vang, hào hùng qua 74 năm xây dựng và phát triển đó không thể không ghi nhớ công sức, trí tuệ, xương máu của lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần toàn quân. Càng trong khó khăn, gian khổ, hy sinh, đội ngũ những người làm công tác HCQĐ càng luôn “đi trước, về sau”, luôn khẳng định bản lĩnh, trình độ và nỗ lực phi thường để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Tinh thần đó được thể hiện trên mọi mặt công tác hậu cần, trên dưới đoàn kết, thống nhất hướng ra tiền tuyến, hướng về phía trước, hướng xuống cơ sở để bảo đảm, chăm lo cho bộ đội và nhân dân, đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”.

Một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng, xuyên suốt, bảo đảm cho TCHC và ngành HCQĐ hoàn thành nhiệm vụ là cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn chú trọng công tác xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, các cơ quan, đơn vị, phân đội hậu cần vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; gắn công tác xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì; kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng Đảng với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ Phong trào thi đua “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy” với Phong trào Thi đua Quyết thắng, phong trào thi đua yêu nước và các phong trào thi đua, các cuộc vận động của các cấp, các ngành. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính; chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tàu vận tải Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) sắp xếp hàng hóa chuẩn bị vận chuyển cho các đơn vị. Ảnh: THÁI HIỀN

Tàu vận tải Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) sắp xếp hàng hóa chuẩn bị vận chuyển cho các đơn vị. Ảnh: THÁI HIỀN

Những năm tới, ngành HCQĐ và TCHC tập trung nâng cao khả năng BĐHC cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất; ưu tiên BĐHC cho các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, ở địa bàn trọng yếu và các đơn vị mới thành lập, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần nhân dân trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và củng cố các căn cứ hậu cần trong khu vực phòng thủ, gắn với phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hậu cần, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, giữ ổn định và cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội. Các cơ quan, đơn vị phải tích cực nghiên cứu, hoàn thiện chiến lược phát triển trang bị hậu cần, đồng bộ với sự phát triển lực lượng của Quân đội, phù hợp với điều kiện của đất nước. Xây dựng lực lượng hậu cần tinh, gọn, mạnh theo Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương; Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25-4-2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; có lực lượng dự bị động viên hợp lý, chất lượng cao, sẵn sàng phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, xây dựng ngành HCQĐ vững mạnh toàn diện, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi công tác hậu cần, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự hậu cần, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học về công tác HCQĐ, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc... góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 74 năm qua, toàn ngành có 166 tập thể, 157 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; hàng vạn tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại; TCHC được tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng; 2 Huân chương Hồ Chí Minh; 1 Huân chương Quân công hạng Nhất; 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trung tướng TRẦN DUY GIANG, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tao-suc-manh-tong-hop-thuc-hien-thang-loi-cong-tac-hau-can-quan-doi-783914