Tạo sức sống mới cho nghệ thuật đờn ca tài tử - Bài 1: Báu vật ở vùng đất phương Nam

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại 21 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ, nghệ thuật này được gìn giữ, phát huy với nhiều hình thức, quy mô khác nhau. Tuy nhiên, đứng trước những đổi thay của cuộc sống đương đại, sự giao thoa, du nhập của các loại hình nghệ thuật, để bảo tồn và phát triển, tạo sức sống bền vững cho đờn ca tài tử Nam Bộ, đòi hỏi sự tiếp tục chung tay, góp sức của cả cộng đồng.

Thí sinh trình bày độc tấu nhạc cụ tại Hội thi Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An năm 2020. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

Thí sinh trình bày độc tấu nhạc cụ tại Hội thi Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An năm 2020. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

Nói đến nghệ thuật đờn ca tài tử, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc dân tộc khẳng định: đây thực sự là một báu vật ở vùng đất phương Nam, gắn bó, thân thuộc với các thế hệ người dân ở vùng đất hiền hòa với miệt vườn sum suê cây trái và những dòng sông mênh mang sóng nước.

Di sản văn hóa

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thái Bình, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh: Trong quá trình khẩn hoang và hình thành vùng đất Nam Bộ, cư dân nơi đây đã sáng tạo ra hai loại hình nghệ thuật độc đáo, đó là nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương. Tư liệu của các nhà nghiên cứu, giới văn nghệ sỹ và những người am hiểu nhạc cổ truyền cho thấy, từ nửa cuối thế kỷ 19 tới năm 1906 là giai đoạn hình thành và chính thức ra mắt loại hình nghệ thuật với tên gọi đờn ca tài tử. Do những yếu tố mang tính lịch sử, nghệ thuật đờn ca tài tử có sự tiếp thu, kế thừa âm nhạc của nhạc cung đình Huế, vùng ngũ Quảng gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Đức (Thừa Thiên-Huế) và nhạc lễ dân gian Nam Bộ.

Còn Thạc sỹ Lê Thị Thanh Yến - Trường Đại học Đồng Tháp dẫn nguồn theo hồ sơ Di sản của Cục Di sản Văn hóa cho biết: Nghệ thuật đờn ca tài tử ra đời vào cuối thế kỷ 19, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam sau đó lan rộng đến cả các tỉnh, thành phía Bắc. Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc ở vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ, có sự kết hợp tinh tế - hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa của dân tộc vừa mang những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam cần cù, bình dị, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường và rất đỗi nhân văn.

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc và văn hóa truyền thống, trong đờn ca tài tử có 20 bản tổ. Căn cứ vào tính chất âm nhạc các bản được chia theo các nhóm, gồm Nam, Bắc, Hạ (hoặc bản Nhạc) và Oán. Mỗi nhóm có tính chất âm nhạc khác nhau như vui vẻ, trang trọng, nhẹ nhàng, man mác buồn hoặc buồn thương nhưng không sầu não. Đây cũng là những bản đờn mang tính kinh điển, thể hiện những yếu tố đặc trưng của nhạc tài tử như: điệu, hơi, tiết tấu và cả cách thức hòa cung đờn.

Đờn ca tài tử mang tính gắn kết cộng đồng thông qua thực hành và sáng tạo nghệ thuật, trên cơ sở dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình triều Nguyễn và những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của dân ca miền Trung, miền Nam. Vì vậy, đờn ca tài tử vừa mang tính bình dân lại vừa mang tính bác học. Nội dung của các bản đờn ca thường gắn liền với các đề tài lịch sử, ca ngợi tinh thần yêu nước, đề cao tình cảm gắn bó, thủy chung giữa con người với con người.

Nhạc sỹ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương khẳng định: Đờn ca tài tử là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, có vùng ảnh hưởng lớn với phạm vi 21 tỉnh, thành phía Nam. Loại hình nghệ thuật này xuất hiện khoảng hơn 100 năm trước và là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm bốn loại là đờn kìm, đờn tranh, đờn cò và đờn bầu, sau này nó được cách tân bằng cách thay thế đờn bầu bằng cây đờn ghi ta phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử phần lớn là bạn bè, chòm xóm với nhau, cùng tụ hội để chia sẻ một thú vui tao nhã. Năm 2013, sự kiện đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã thực sự đặt dấu son chói lòa, góp phần vinh danh loại hình nghệ thuật độc đáo ở vùng đất phương Nam của đất nước.

Lan tỏa mạnh mẽ

Ở 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ, trải qua thời gian, nghệ thuật đờn ca tài tử luôn cho thấy một một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê, thể hiện tâm hồn phóng khoáng, tình yêu quê hương đất nước, con người dân đất phương Nam. Thạc sỹ Lê Thị Thanh Yến cho rằng, từ những miền quê, đờn ca tài tử Nam Bộ sống và bám rễ như những cây lúa được ươm mầm qua bàn tay chăm bón của nhà nông. Chẳng có điều gì tạo nên sự chân thật, dung dị bằng những tài tử đờn ca, ban ngày lo việc đồng áng, tối về tụ họp nhau chơi và thưởng thức đờn ca tài tử trước sân nhà. Không gian đó đã nuôi dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử và ươm mầm cho nhiều thế hệ say mê nghệ thuật này.

Nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn nhận, đờn ca tài tử có sức lan tỏa, tác động mạnh tới công chúng chính là vì nó tồn tại song song ở cả hai hình thức: sinh hoạt thính phòng, mang hình thức truyền thống như khi mới ra đời và trình diễn trên các sân khấu. Hiện nay các tỉnh, thành Nam Bộ đều có các câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử hoạt động. Môn nghệ thuật này được biển diễn thường xuyên ở những câu lạc bộ nơi miệt vườn thôn dã cho đến các điểm du lịch hay những sân khấu, hội thi, lễ hội quy mô lớn.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương - nhạc sỹ Võ Đông Điền cho biết: Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020, nhiều lớp học truyền dạy đờn ca tài tử dã được ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Dương cùng các các địa phương thực hiện, góp phần đưa di sản văn hóa vào cuộc sống cộng đồng. Ở Bình Dương hiện có trên 900 nghệ nhân đờn ca tài tử, hơn 60 câu lạc bộ ở các địa phương biểu diễn đầy đủ 20 bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử và cả những bản vọng cổ được viết lời mới, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần thi đua xây dựng quê hương như các bản: Bình Dương mùa trái chín, Bình Dương vững bước tương lai...

Cùng ở khu vực Nam bộ, tỉnh Bạc Liêu là địa phương có Khu Lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu (tác giả của bản vọng cổ bất hủ Dạ cổ hoài lang). Trong nhiều năm qua, nghệ thuật đờn ca tài tử được tỉnh đặc biệt quan tâm bảo tồn, tạo sự lan tỏa trong người dân ở các xóm ấp và cả du khách trong và ngoài nước. Toàn tỉnh có gần 200 câu lạc bộ đờn ca tài tử với khoảng 2.000 nghệ nhân đờn, ca tham gia sinh hoạt thường xuyên.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, nhằm tiếp tục tạo sự lan tỏa, tạo sức sống mới cho nghệ thuật đờn ca tài tử, Sở đã phát động cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bản cổ đờn ca tài tử Nam Bộ. Theo đó, các sáng tác lời mới sẽ có nội dung giới thiệu những thắng ảnh, danh lam của đất nước, những nét đẹp của con người Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng, phản ánh quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch ở địa phương. Dự kiến, hoạt động tổng kết và trao giải cuộc thi diễn ra vào tháng 10 năm nay. Ngoài ra, Bạc Liêu vừa ban hành kế hoạch xây dựng điểm du lịch Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sỹ Cao Văn Lầu trở thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, tỉnh phát triển các sản phẩm du lịch trọng tâm như tái hiện quá trình ra đời của nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương, vọng cổ; tổ chức không gian trình diễn đờn ca tài tử, trải nghiệm học hát đờn ca tài tử...

Từ vùng đất Mũi Cà Mau, ông Võ Minh Hổ ở xã nông thôn mới Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Cũng như hầu hết người dân Nam Bộ, bà con đất Mũi Cà Mau rất mê đờn ca tài tử. Những bản đờn ca thể hiện cuộc sống, tâm tình của chính người dân nên rất gần gũi. Xã Tân Ân Tây có câu lạc bộ đờn ca tài tử thường xuyên biểu diễn vào những dịp lễ, tết, hội họp, mừng thọ, đám cưới, đặc biệt vào ngày hội lớn như lễ đón bằng công nhận xã nông thôn mới lại càng không thể thiếu nghệ thuật đờn ca tài tử.

Bài cuối: Nhiều thách thức

Thanh Trà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/tao-suc-song-moi-cho-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-bai-1-bau-vat-o-vung-dat-phuong-nam-20200823074258398.htm