Tào Tháo 'đánh trống kêu oan': Những quân sư bậc thầy
Tuân Úc vốn là người của Viên Thiệu, nhưng ông ta cho rằng Thiệu sẽ chẳng nên cơm cháo gì, nên năm Sơ Bình thứ hai đời Hiến đế (191 sau CN), bỏ Viên Thiệu về với Tào Tháo khi ấy mới chỉ là Thái thú Đông quận.
3 cương lĩnh lớn của Tuân Úc
Tào Tháo rất mừng, gọi Tuân Úc (Tuân Úc cùng quan điểm với Mao Giới phò vua để thu phục thiên hạ) là Trương Lương của ông ta. Năm Kiến An thứ nhất (196 sau công nguyên), khi Tào Tháo quyết định rước vua về Hứa huyện, rất nhiều người không tán thành (chư tướng hoặc nghi), chỉ Tuân Úc và Trình Dục kiên quyết ủng hộ. Trình Dục nói gì thì không rõ, nhưng Tuân Úc thì Tam quốc chí. Tuân Úc truyện chép như sau:
Tuân Úc nói “Một là, đấu tranh chính trị phải có chính nghĩa, tối thiểu phải giương cao ngọn cờ chính nghĩa. Năm xưa, Tấn Văn công rước Chu Nhương vương (bị công tử Đới đuổi đi) trở về kinh thành, liền được chư hầu noi gương; Cao Hoàng đế để tang Sở Hoài vương (bị Sở Bá vương sát hại) liền được thiên hạ tin phục. Hành động đó là lời kêu gọi của chính nghĩa.
Hai là, tướng quân luôn nêu cao chính nghĩa. Khi Đổng Trác làm loạn triều đình, tướng quân là người đầu tiên dựng cờ đại nghĩa (thủ xướng nghĩa binh); Khi thiên tử trong cảnh long đong, tướng quân chẳng nề nguy hiểm, sai sứ giả đến liên hệ, chứng tỏ tướng quân không lúc nào quên vương thất (nãi vô tâm bất tại vương thất), ý nguyện của tướng quân là giúp nước (thị tướng quân khuông thiên hạ chi tố chí dã).
Giờ đây thiên tử đang phiêu bạt nơi xa (xa giá toàn trân), Lạc Dương đổ nát (đông kinh toàn chẩn), kẻ trung nghĩa ai cũng mong được bảo vệ đất nước (nghĩa sĩ hữu tồn bản chi tư), còn trăm họ thì đau xót nhớ lại thời hoàng kim của Đại Hán (bách tính cảm cựu nhi tăng ai). Vậy nên lập tức ra tay làm cái điều tướng quân đã định, nếu để lỡ, nhân tâm sẽ rối loạn. Đợi đến khi thiên hạ nghĩ đến chuyện cát cứthì đã muộn, không cứu vãn nổi tình hình”.
Do đó, Tuân Úc nêu ba cương lĩnh lớn, tức giúp rập thiên tử để thuận lòng dân (phụng chúa thượng dĩ tòng dân vọng); chí công vô tư để thụ phục kẻ mạnh (bỉnh công dĩ phục hào cường); giương cao chính nghĩa để chiêu mộ anh hùng (phù hoằng nghĩa dĩ chí anh tuấn). Tuân Úc nói: “Phụng chúa thượng dĩ tòng dân vọng, là xu thế lớn nhất hiện nay, tức “đại thuận”; bỉnh công dĩ phục hào cường, là chiến lược lớn nhất, tức “đại lược”; phù hoằng nghĩa dĩ chí anh tuấn, là đức hạnh lớn nhất, tức “đại đức”. Đại thuận chí tôn, đại lược chí công, đại đức chí nghĩa. Có ba cương lĩnh này thì đường đường chính chính, khí tráng sơn hà, đánh đâu thắng đó. Kẻ nào đó dám chống lại tướng quân, kẻ đó chắng khác trứng chọi với đá, châu chấu đá xe, thất bại là cái chắc”.
Hơn hẳn quân sư của Viên Thiệu một cái đầu
Lời Tuân Úc hợp tình hợp lý, Tào Tháo không thể không theo. So với Thư Thụ (quân sư của Viên Thiệu), Tuân Úc hơn hẳn về đẳng cấp, một cái đầu, xứng đáng là quân sư bậc thầy.
Tuân Úc thiên về “nghĩa”, Thư Thụ thiên về “lợi”. Tuân Úc bám chắc chủ đề: bảo vệ đương kim hoàng đế, bảo vệ đất nước thống nhất, tức “đại nghĩa”. Thư Thụ trái lại, nhấn mạnh sách lược sử dụng nhà vua như một cái vốn chính trị để mưu lợi, tức “đại lợi”. Cả hai đều nhấn mạnh phảinắm lấy thời cơ, nhưng mục tiêu khác nhau. Tuân Úc nói, đợi khi thiên hạ nghĩ đến chuyện cát cứ thì không thể cứu vãn tình hình; Thư Thụ thì lại nói, nếu không ra tay trước, để kẻ khác lấy mất con át chủ thì không kịp.
Tuy Thư Thụ có đề cập đến “nghĩa” (kim phụng triều đình, chí nghĩa dã: nay phụng sự triều đình là chí nghĩa) nhưng trên thực tế thì không mặn mà. Vì rằng các mưu sĩ muốn thuyết phục chủ đều phải lựa theo tâm lý của chủ. Thư Thụ nhấn mạnh “lợi”, vì Viên Thiệu coi trọng “lợi”; Ta thấy Tuân Úc nhấn mạnh “nghĩa”, chứng tỏ Tào Tháo là người trọng “nghĩa”. Chí ít vào năm 196 sau công nguyên, Tào Tháo trọng “nghĩa”, hoặc giả vờ trọng “nghĩa”.
Có điều, nói kiểu gì hoặc quyết sách như thế nào đều là con dao hai lưỡi. Mao Giới và Tuân Úc gắn cho Tháo một “đường lối chính trị đúng đắn”, một “ngọn cờ chính nghĩa”, đồng thời cũng chụp lên đầu Tháo một Vòng Kim cô như Phật Bà Quan Âm chụp lên đầu Tôn Ngộ Không. Nhất là ba cương lĩnh lớn của Tuân Úc: phụng sự thiên tử, chí công vô tư, giương cao chính nghĩa, đã chặn đứng mưu đồ của Tào Tháo. Đặc biệt là hai câu: “Không lúc nào quên vương thất”, “ý nguyện của ta là giúp nước”, cầm bằng Tháo tự trói chặt trong khuôn phép của kẻ sĩ, khiến Tháo suốt đời không dám nghĩ đến chuyện hạ bệ đương kim hoàng đế để lên làm vua. Có lẽ vì thế, một khi dã tâm quá lớn, Tháo đâm thù ghét hai người này. Tuân Úc bị bức tử, Mao Giới bị hạ ngục, suýt mất mạng.
Nhưng đó là chuyện sau này. Năm 196, về cơ bản Tháo vẫn muốn làm “anh hùng thời loạn”, vẫn chủ trương phụng sự hoàng đế, duy trì quốc gia thống nhất.
Chống đến cùng tình trạng loạn vua
Theo Tam quốc chí. Vũ đế kỷ, Bùi Tùng Chi dẫn Ngụy thư, khi Viên Thiệu tỏ ý đưa Lưu Ngu lên làm vua, Tào Tháo viết thư trả lời: “Tội của Đổng Trác không thể kể xiết. Sở dĩ liên quân chúng ta được nhiều người ủng hộ, bởi vì chúng ta có chính nghĩa. Nay hoàng thượng còn non trẻ, thế cô lực mỏng, bị gian thần khống chế, nhưng bản thân nhà vua thì không có lỗi. Giờ thay vua khác, làm sao ổn định nhân tâm?”.
Cuối thư, Tào Tháo tỏ vẻ phẫn uất: “Các vị cứ lên phía Bắc, còn tôi đem quân sang phía Tây!”. Nghĩa là các vị kéo lên U Châu mà lập vua mới, còn tôi đi Tràng An bảo vệ đương kim hoàng thượng.
Tháo không nói nhiều, nhưng ý nghĩa cực kỳ sâu sắc. Ông ta tuyên bốdứt khoát lập trường của ông ta: Chủ trương thống nhất, phản đối chia cắt, vì chia cắt sẽ dẫn đến chiến tranh, mà chiến tranh thì nhân dân đau khổ.
Tháo đã từng làm thơ. Bài “Cảo lý hành” của ông ta nhắc lại chuyện liên quân chia rẽ, miêu tả cảnh sống cơ cực của dân trong chiến tranh, xác chết đầy đồng, ngàn dặm không tiếng gà, trông thấy mà trong lòng đau xót (Bạch cốt lộ vu dã, thiên lý vô kê minh, sinh dân bách di nhất, niệm chi đoạn nhân tràng).
Do vậy, Tào Tháo kiên trì chủ trương thống nhất đất nước và suốt đời phấn đấu cho mục tiêu ấy. Muốn đất nước thống nhất thì phải có biểu tượng của thống nhất. Đó là vua. Ai là vua không quan trọng. Nếu thời cơ chín muồi, mình cũng có thể làm vua. Nhưng không thể không có vua, cũng không thể cùng lúc có hai vua.
Tháo chống Đổng Trác, vì Đổng Trác coi vua có cũng như không. Tháo chống Viên Thiệu, vì Viên Thiêụbiến một vua thành hai vua. Tháo kiên quyết không rút khỏi vũ đài chính trị, vì “nếu đất nước không có ta thì không biết có bao nhiêu kẻ xưng Đế, bao nhiêu kẻ xưng Vương”. Vìsự thống nhất của đất nước, Tháo bấm bụng mà chịu, không để xảy ra tình trạng loạn vua.
Tào Tháo có thích làm vua?
Đương nhiên không thể nói Tháo hoàn toàn không có dã tâm. Nói vậy là không đúng sự thực. Theo Tam quốc chí. Vũ đế kỷ, Bùi Tùng Chi dẫn Hán kỷ của Trương Phiên, lúc bấy giờ có một Thái sử công tên Vương Lập nhiều lần tâu lên vua Hiến đế, rằng ngũ hành không phải lúc nào cũng thịnh. Chắc chắn Ngụy sẽ thay thế Hán. Chỉ Ngụy mới có thể bình định thiên hạ. Tào Tháo nghe vậy, liền sai người đến bảo Vương Lập, nói: “Biết ông trung thành với triều đình, nhưng đạo trời mênh mông, xin ông đừng nói nhiều” (tri công trung vu triều đình, nhiên thiên đạo thâm viễn, hạnh vật đa ngôn).
Chuyện này chắc không xảy ra khi Tháo mới rước vua về Hứa huyện, nhưng lời Tháo nói phù hợp với tâm trạng thực của ông ta, nếu không ông ta đã công khai bác bỏ ý kiến Vương Lập. Có thể đoán, chí ít, ông ta cũng thích làm vua, nhưng không thể nói ra miệng đấy thôi.
Không nói ra, nhưng không có nghĩa là không làm. Sau khi dời đô về Hứa huyện, Tào Tháo cứ nhích từng bước từ “phụng thiên tử” sang “hiệp thiên tử”. Sự “chuyển gam” này là cố ý hay vô tình, có tính toán trước hay hoàn cảnh dẫn đến, giờ đây khó mà làm rõ.
Chuyển dần sang hoành hành ngang ngược
Dù sao thì Tào Tháo ngày càng chuyên quyền, ngày càng bá đạo, ngày càng coi thường vua, còn vua thì từ “được cung phụng” chuyển sang “bị giam lỏng”. Cuối cùng xảy ra sự kiện “mật chiếu giấu trong đai áo” (Kiến An năm thứ 5, 200 sau công nguyên). Sự kiện này, Tam quốc chí và Hậu Hán thư đều có ghi chép, là chuyện có thật.
Tam quốc chí. Tiên chủ truyện, chép: Quốc cữu (bố vợ) Hiến đế là Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa giấu mật chiếu của nhà vua trong đai áo, nhận lệnh giết Tào Tháo” (Hiến đế cữu (nhạc phụ) Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa thụ Đế y đái trung mật chiếu, đương tru Tào công... Sự giác, Thừa đẳng giai phục tru).
Hậu Hán thư. Hiến đế kỷ chép: “Mùa xuân năm thứ 5, tháng Giêng, Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa, Thiên tướng quân Vương Phục, Việt kỵ Hiệu úy Chủng Tập nhận mật chiếu giết Tào Tháo, sự việc vỡ lở. Ngày Nhâm ngọ, Tào Tháo giết bọn Đổng Thừa, giết cả ba họ” (ngũ niên xuân chính nguyệt, xa kỵ tướng quân Đổng Thừa, Thiên tướng quân Vương Phục Việt kỵ Hiệu úy Chủng Tập thụ mật chiếu tru Tào Tháo, sự tiết. Nhâm ngọ, Tào Tháo sát Đổng Thừa đẳng, di tam tộc). Ta biết rằng, Hiến đế sinh ra và lớn lên trong thời loạn, nhẫn nhịn trước cường quyền. Nếu không bị ức hiếp đến nỗi không chịu nổi, chắc không viết mật chiếu. Qua chuyện này, ta thấy Tào Tháo hoành hành ngang ngược đến mức nào.
Mưu đồ cá nhân bằng thống nhất đất nước
Tuy vậy, chuyện mật chiếu cũng khó bàn cho ra nhẽ. Vì rằng chính sử ghi chép chưa chắc đã thực. Trần Nhĩ Đông tiên sinh cho rằng “mật chiếu giấu trong đai áo” là “nghi án từ xưa đến nay” (thực thiên cổ nghi án).
Nhà sử học Lã Tư Miễn cũng tỏ ra nghi ngờ. Thực ra, phụng thiên tử dĩ lệnh bất thần không mâu thuẫn với hiệp thiên tử nhi lệnh chư hầu. Vì rằng muốn bảo vệ đất nước thống nhất, phải diệt bọn chư hầu mưu toan cát cứ, và muốn thực thi mưu đồ chính trị cá nhân thì phải loại bỏ những kẻ không ăn cánh với mình. Mục đích khác nhau, nhưng sự việc và kết quả là một. Điều này ở Tào Tháo lại càng không mâu thuẫn, vì mưu đồ cá nhân của ông ta gắn chặt với yêu cầu thống nhất đất nước.
Tào Tháo hiểu rằng, muốn thực hiện mưu đồ cá nhân thì phải thống nhất đất nước, vì chỉ có thống nhất đất nước mới thực hiện được mưu đồ cá nhân. Do vậy, về mặt chiến lược, trước đông đảo dân chúng, ông ta phải “phụng sự thiên tử, loại trừ những kẻ không qui thuận”; Về sách lược, ông ta ngấm ngầm “lợi dụng thiên tử để ra lệnh cho chư hầu”.
“Phụng sự thiên tử, loại trừ những kẻ không qui thuận” là khẩu hiệu, là ngọn cờ; “lợi dụng thiên tử là thủ đoạn, là con bài. Khi nào thì giương cờ lên, khi nào thì chơi bài, khi nào thì “phụng sự thiên tử, loại trừ những kẻ không qui thuận”; khi nào thì “lợi dụng thiên tử, ra lệnh cho chư hầu”. Tất cả những trường hợp đó chỉ Tào Tháo biết.
Lãi lớn trong việc thu nhận người tài
Tào Tháo còn một mối lợi khác. Đó là với khẩu hiệu “phụng sự thiên tử”, hơn ai hết, ông ta rất thuận lợi trong việc thu nhận nhân tài. Ông ta có thể dùng danh nghĩa triều đình chiêu nạp cả kẻ tốt lẫn kẻ xấu. Ngay cả những người muốn đem tài sức của mình ra phụng sự đất nước, cũng phải về dưới trướng ông ta mới danh chính ngôn thuận, mới quang minh chính đại.
Đây chính là một trong những lý do khiến Tôn Quyền và Lưu Bị gọi ông ta là “giặc nhà Hán”, phân biệt ông ta với vương thất nhà Hán. Nói gì thì nói, Tào Tháo nhiều thuận lợi hơn các vị kia. Vì rằng giúp vua đương nhiên hơn giúp chư hầu. Chí ít, Tào Tháo có thể dùng danh nghĩa hoàng đế và bổng lộc quốc gia để phong quan tấn tước cho người của mình. Quan chức bổng lộc lấy từ nhà nước, nhưng người thì của Tào Tháo, kinh doanh như thế mới là kinh doanh, siêu lãi!
Tóm lại, sau khi hoàng đế về Hứa huyện, địa vị của Tào Tháo được nâng cao vượt bậc. Ông ta có cái vốn chính trị và nguồn nhân lực dồi dào. Vậy là, ông ta một tay giương cao ngọn cờ bảo vệ vương thất được coi là chính nghĩa lúc bấy giờ, để hiệu triệu thiên hạ, ra lệnh cho chư hầu, nghiễm nhiên trở thành “Chúa cứu thế” của vương triều Hán; tay kia lặng lẽ rút kiếm ra khỏi vỏ. Ông ta dùng kiếm bình định thiên hạ, nhất thống chín châu.
Với lợi thế như vậy, Tào Tháo có gặp trở ngại gì không? Xin xem tiếp các phần sau.