Tào Tháo từng là ... 'giám đốc nông trường'
Kể từ khi là người đầu tiên thành lập nghĩa binh đến khi thực thi chính sách đồn điền, Tào Tháo từ một tướng trẻ trở thành nhà chính trị từng trải, hoạch định kế sách đâu ra đấy.
Minh chủ Viên Thiệu thì “óc bã đậu” như thế, còn những kẻ khác thì sao? Cũng chẳng ra gì. Người thì khoác lác, người thì ba phải. Toàn bầy ham sống sợ chết, rắp tâm đục nước béo cò. Chính vì vậy, Tào Tháo phải đơn thương độc mã dựng nghiệp lớn.
“Đệ tử” Viên Thiệu: Rặt phường chuột nhắt!
Trong đám cận thần của Viên Thiệu có Khổng Trục. Đây là người khoác lác một tấc đến giời. Người đời gọi ông ta là “lão phịa”, chỉ được cái phét lác. Hàn Phức cũng vậy - một con người không có chính kiến.
Tam quốc chí. Võ đế kỷ, Bùi Tùng Chi dẫn anh hùng ký, khi nghĩa quân nổi lên, Thái thú Đông Quận là Kiều Mạo mượn lời Tam công viết thư cho Hàn Phức, mong Phức dấy binh cứu nước (xí vọng nghĩa binh, giải quốc ưu hoạn). Nhận được thư, Phức hỏi bộ hạ: “Ta nên giúp Viên Thiệu hay giúp Đổng Trác?”. Mưu sĩ của Phức là Lưu Tử Huệ nói: “Ta dấy binh là vì nước, đâu phải vì Viên Thiệu, Đổng Trác”. Hàn Phức đỏ mặt.
Nhưng Lưu Tử Huệ cũng chẳng ra sao. Ông ta đề nghị Hàn Phức án binh bất động, để xem tình thế. Lưu Tử Huệ nói, chiến tranh là chuyện dữ, không nên cầm đầu, quan sát người khác làm ăn ra sao rồi hãy hành động (binh giả hung sự, bất khả vi thủ, vãng thị tha châu). Hàn Phức nghe theo, vì ông ta sợ kẻ khác chiếm mất địa bàn.
Như vậy có thể thấy đệ tử của Thiệu chỉ rặt phường chuột nhắt!
Nghĩa binh... sợ chết
Viên Thiệu bất đồng với Đổng Trác, trốn khỏi Lạc Dương. Đổng Trác định sai quân đuổi bắt, may nhờ có mấy danh sĩ quen Viên Thiệu được Trác tín nhiệm xin hộ, nói rằng Thiệu không hiểu đại cục, hoảng hốt bỏ chạy, thực tế không mưu bá đồ vương gì. Nếu dồn Thiệu vào ngõ cụt thì chó cùng rứt giậu, chắng thà cho Thiệu một chức Thái thú, Thiệu sẽ mang ơn. Họ Viên bốn đời giữ chức Tam công, môn sinh khắp thiên hạ, nếu thu phục được Viên Thiệu thì toàn bộ phía đông núi Thái Hàng sẽ thuộc về Đổng Trác.
Thấy có lý, Đổng Trác bổ nhiệm Thiệu làm Thái thú Bột Hải. Thiệu vừa chạy đến Kí Châu thì được lệnh đi làmThái thú Bột Hải. Hàn Phức sợ run, cắt quân theo dõi, khiến Viên Thiệu không dám động chân động tay. Sau khi Hàn Phức gia nhập quân Quan Đông, Thiệu mới có dịp hành động. Hàn Phức là con người như thế, mong gì ông ta đứng trên tuyến đầu chống Đổng Trác?
Những người khác gần như cũng nghĩ vậy, nên sau khi thành lập liên quân, không ai chịu xuất quân trước vì sợ thiệt thân. Tam quốc chí. Võ đế kỷ chép, bọn Thiệu không dám tiến đánh trước (Thiệu đẳng mạc cảm tiên tiến). Thấy vậy, Tào Tháo nói: “Thành lập nghĩa binh là để dẹp loạn, mọi người đã nhất trí, còn nghi ngại gì nữa?” (cử nghĩa binh dĩ tru bạo loạn, đại chúng dĩ hợp, chư quân hà nghi?).
Tháo nói, trước đây thảo phạt Đổng Trác có khó khăn, nhưng nay là thời cơ tốt nhất. Vì sao? Vì rằng trước đây Đổng Trác dựa vào quyền lực nhà vua, chiếm nơi hiểm yếu của hai nhà Chu (Đông Chu và Tây Chu, tức Lạc Dương). Nay tình hình đã khác. Đổng Trác đốt phá kinh thành, ngược đãi nhà vua khiến cả nước rúng động bàng hoàng, đây là lúc ông trời diệt hắn (thử thiên vong chi thời dã). Vì vậy Tháo đề nghị tiến đánh, chỉ một trận là dẹp được loạn Đổng Trác, ổn định thiên hạ, không nên bỏ lỡ (nhất chiến nhi thiên hạ định, bất khả thất dã!)
Tinh hoa cũng biến thành rẻ rách
Nhưng không ai nghe lời bàn của Tào Tháo. Ông ta đành đơn thương độc mã đánh Đổng Trác. Chỉ mỗi Trương Mạc giúp một ít quân do Vệ Tư làm đội trưởng (Mạc khiển tướng Vệ Tư phân binh tùy Thái tổ – Tam quốc chí. Võ đế kỷ). Trận ấy bất lợi, Tào Tháo suýt trận vong, may có Tào Hồng nhường ngựa mới chạy thoát. Về tới đại bản doanh Tân Toan, Tháo vẫn thấy mấy chục vạn quân Quan đông vẫn án binh bất động, ngày nào cũng rượu chè be bét, không hề nghĩ tới tiến công (nhật trí tửu cao hội, bất đồ tấn thủ).
Nói theo ngôn ngữ hiện nay, quân Quan đông chỉ “đớp hít và chơi trò chơi điện tử tối ngày”. Tào Tháo buồn bã lắc đầu mà rằng, nay nghĩa quân không vì nghĩa mà tiến đánh, phụ lòng mong mỏi của thiên hạ, thật đáng hổ thẹn (kim binh dĩ nghĩa động, trì nghi nhi bất tiến, thất thiên hạ chi vọng, thiết vi chư quân sỉ chi). Nói vậy nhưng ai thèm nghe, một lần nữa Tào Tháo cảm thấy bế tắc.
Thực ra, các tướng lĩnh quân Quan đông không phải bất tài, thậm chí có người là tinh hoa của đất nước. Tỉ như Vương Khuông nổi tiếng vì nghĩa hiệp. Như Viên Di đầy bụng kinh luân. Nhưng một khi cái riêng lấn át cái chung thì chỉ là đồ giẻ rách.
Vậy là Tào Tháo biết tỏng gan ruột chư hầu. Họ chỉ là một lũ cá nhân chủ nghĩa, tham sống sợ chết, chí không lớn mà tài thì mọn, không thể cùng mưu việc lớn. Quân Quan đông rặt một lũ ô hợp, đồng sàng dị mộng, không thể tin cậy. Một lần nữa, Tào Tháo buộc phải xem xét lại con đường tiến thủ của mình.
Cách lựa chọn của Tào Tháo là “độc lập tác chiến”.
Một mình cũng cứu nước, cứu dân
Không như Tam quốc diễn nghĩa, đổ riệt cho Tào Tháo từ nhỏ đã gian hùng, mưu toan cướp ngôi nhà Hán, trên thực tế, có hai luận thuyết khi nói về sự lựa chọn của Tào Tháo.
Luận thuyết thứ nhất, Tôn Thịnh nói trong Thế thuyết tân ngữ: Năng thần (bề tôi giỏi) thời bình, gian hùng thời loạn (trị thế chi năng thần loạn thế chi gian hùng).
Thuyết thứ hai, Hậu Hán thư nói: Gian tặc thời bình, anh hùng thời loạn (thanh bình chi gian tặc loạn thế chi anh hùng), đồng nghĩa với câu trong Thế thuyết tân ngữ: Anh hùng thời loạn, gian tặc thời bình (loạn thế chi anh hùng, trị thế chi gian tặc).
Nay đã rõ, từ năm 190 đến năm 200, Tào Tháo đúng là anh hùng thời loạn. Vì rằng khi quốc gia lâm nạn, dân tộc nguy vong, gần như chỉ mỗi Tào Tháo quyết tâm cứu nước, cứu dân (theo như suy nghĩ của những “kẻ sĩ” thời ấy). Nếu có người thứ hai thì đó là Tôn Kiên, bố Tôn Quyền. Nhưng so với Tào Tháo, Tôn Kiên kém xa. Vì Tháo hơn hẳn Tôn Kiên về mưu lược. Vậy Tháo đã làm những gì để người đời coi ông ta là bậc cao thủ.
Hãy điểm một vài hành vi của Tào Tháo.
“Trời xanh đã chết, trời vàng lên thay”
Từ năm 191 (Hán Hiến đế. Sơ Bình năm thứ hai) đến năm 196 (Hán Hiến đế - Kiến An năm thứ nhất), Tào Tháo chủ yếu làm ba việc: Khoanh đất, mộ lính và lập đồn điền. Ba việc này đều liên quan đến cuộc khởi nghĩa Khăn vàng (hoàng cân khởi nghĩa).
Cuối đời Đông Hán, chính trị thối nát, dân tình đói khổ. Không còn lối thoát, những người nông dân đầu đội khăn vàng, dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Thái bình đạo giáo đoàn, với khẩu hiệu “trời xanh đã chết, trời vàng lên thay”, phát động cuộc vũ trang khởi nghĩa.
Đây chính là “quan bức thì dân phản”. Nhưng dưới con mắt của những người như Tào Tháo thì là đại nghịch vô đạo, phải dẹp. Nhưng quân khăn vàng lơi dụng lúc triều đình hủ bại, tham quan ô lại tranh ăn, phát triển ngày càng lớn.
Năm 192 (Hán Hiến đế. Sơ Bình năm thứ ba), một triệu quân Khăn vàng tụ tập ban đầu tại Thanh châu (nay là thành phố Lâm Bác, tỉnh Sơn Đông) kéo về Cổn Châu (nay là huyện Kim Hương, tỉnh Sơn Đông). Thái thú Cổn Châu Lưu Đại không nghe lời khuyên của Bão Tín, bị quân Khăn vàng giết chết. Bão Tín và Trần Cung rước Tào Tháo vốn là Thái thú Đông Quận, đến Cổn Châu đảm đương chức vụ quyền Cổn Châu Mục.
Theo Tam quốc chí. Võ đế kỷ, Bùi Tùng Chi chú, dẫn Thế ngữ, Trần Cung bảo Tào Tháo: “Hiện Cổn Châu không có chủ, triều đình không biết bổ nhiệm ai, xin mời Thái thú nắm lấy để thu phục thiên hạ mà dựng nghiệp Bá.” Trần Cung lại bảo quan lại Cổn Châu: “Thái thú Đông Quận là nhân tài thời nay, mời ông ta về Cổn Châu tất dân tình yên ổn”. Mọi người nghe theo. Vậy là Tào Tháo được Cổn Châu, một căn cứ địa quan trọng.
Quân đội có cả... người già, phụ nữ, trẻ em
Sau khi tiếp quản Cổn Châu, Tào Tháo triển khai cuộc chiến với quân Khăn vàng. Theo Tam quốc chí. Võ đế kỷ. Bùi Tùng Chi chú, dẫn Ngụy thư: Quân Tào ít hơn nhiều lần quân Khăn vàng. Quân Khăn vàng 30 vạn, người đi theo tổng cộng một triệu. Quân Tào chỉ một ngàn, lính thiện chiến ít, tân binh nhiều, rất sợ đánh nhau.
Để giành thắng lợi, Tào Tháo ra sức kiên trì huấn luyện, đích thân đôn đốc tướng sĩ, công bố thể lệ thưởng phạt, công bố chính sách đối với tù binh và hàng binh, mở con đường sống cho quân Khăn vàng. Sau đó, dùng kỳ binh mà đánh.
Kết cục, quân Khăn vàng đầu hàng Tào Tháo. Khăn vàng là một quân đội kỳ quặc. Trong quân, ngoài lính chiến, còn có gia đình lính và nông dân, thậm chí có cả trâu bò và nông cụ. Do đó mới có quân số hàng triệu. Tào Tháo chọn những trai tráng biên chế thành đội ngũ, gọi là “Thanh Châu binh”, vậy là Tháo có thêm một đội quân.
Tiếp quản Cổn Châu, Tào Thào có căn cứ địa. Xây dựng “Thanh Châu binh”, Tào Tháo có quân đội. Do đó Tháo bám trụ được ở Quan Đông. Nhưng ông ta gặp phải một khó khăn nghiêm trọng: Công ăn việc làm cho hàng triệu con người. Lấy gì nuôi sống họ? Vậy là năm 196, theo đề nghị của các mưu sĩ, Tào Tháo bắt đầu thực hiện chế độ đồn điền.
Một cuộc kinh doanh kỳ thú
Do chiến tranh, rất nhiều ruộng đất vô chủ. Tào Tháo sung công những ruộng vô chủ đó, một phần giao cho quân sĩ và hàng binh Khăn vàng, gọi là quân đồn; một phần giao cho những nông dân thiếu đất trồng trọt, gọi là dân đồn. Trâu bò và nông cụ do Tháo cung cấp. Địa tô thu từ 50% đến 60%. Đó là chế độ “đồn điền”. “Đồn” là phương thức quân sự hóa khu dân cư, tập thể hóa phương thức canh tác. Có thể gọi là “binh đoàn sản xuất xây dựng”, bộ chỉ huy quân sự của Tào Tháo biến thành “Ban Giám đốc nông trường”.
Một cuộc kinh doanh kỳ thú. Ruộng đất do chủ đất bỏ lại; trâu bò, nông cụ gom lại từ quân Khăn vàng. Tào Tháo không bỏ vốn. Có thể gọi đó là một kiểu buôn không cần vốn.
Địa tô thu 50 - 60%, cao gấp nhiều lần so với thời Hán sơ (chỉ thu 1/15 sản lượng), có thể coi là bóc lột khá nặng. Nhưng binh lính và nông dân vẫn có cơm ăn, nên chấp thuận.
Quân sự hóa phương thức cư trú, tập thể hóa phương thức canh tác, coi như xây dựng một xã hội với quân với dân là một, xây dựng “binh đoàn sản xuất xây dựng”, vừa là kho lương thực, vừa là nguồn tuyển quân.
Chế độ đồn điền vừa cung cấp lương thảo vừa cung cấp binh lực, giải quyết hữu hiệu tình hình trị an do dân li tán gây ra. Thật là một công ba việc.
Người ăn cơm trắng, kẻ chén thịt nhau
Thực thi những công việc trên, Tào Tháo đã chứng tỏ ông ta là một nhà chính trị nhìn xa thấy rộng, xứng đáng là anh hùng. Theo Tam quốc chí. Võ đế kỷ. Bùi Tùng Chi dẫn Ngụy thư: Khi quyết định thực thi chế độ đồn điền,, Tào Tháo có nói: Thuật giữ nước ở chỗ quân đội thì mạnh, dân chúng thì no đủ (định quốc chi thuật tại vu cường binh túc thực) Quân không mạnh, dân không no, làm sao thắng nổi kẻ thù? Tiếc rằng các chư hầu không có cái nhãn quan như Tào Tháo.
Ngụy thư chép: Chư hầu khi nổi dậy không có kế sách lâu dài, đói thì đi ăn cướp của dân, no thì phung phí lương thực. Rốt cuộc, địch không đánh mà tự tan vỡ, vì rằng không có ăn thì quân đội mất sức chiến đấu (Chư quân tính khởi, vô chung tuế chi kế, cơ tắc khấu lược, bão tắc khí dư, nhõa giải lưu li, vô địch tự phá giả bất khả thắng số).
Sự thực là, trong khi quân Tào và dân chúng ăn no mặc ấm thì quân lính của Viên Thiệu ăn lá dâu, quân lính của Viên Thuật ăn ốc hến. Khi dâu và ốc hến không còn thì ăn thịt lẫn nhau, cảnh tượng cực kỳ thê thảm (dân nhân tương thực, châu lý tiêu điều). Những con người như thế, làm sao dám tranh hùng với Tào Tháo. So với họ, vì lẽ gì Tào Tháo không là anh hùng?
Từ vị tướng trẻ trở thành nhà chính trị từng trải
Kể từ khi là người đầu tiên thành lập nghĩa binh đến khi thực thi chính sách đồn điền, Tào Tháo từ một tướng trẻ trở thành nhà chính trị từng trải, hoạch định kế sách đâu ra đấy.
So với Tháo, các vị “một thời tuấn kiệt”chẳng làm nên cơm cháo gì. Nguyên do là các vị ấy hoặc là theo chủ nghĩa bảo mạng, sợ lên sợ xuống; hoặc rượu chè be bét, được đâu hay đó; hoặc rắp tâm đục nước béo cò; hoặc tranh quyền đoạt lợi, sát hại lẫn nhau.
Trong khi quân Tây bắc hoành hành ngang ngược, thì quân Quan Đông đã thanh toán lẫn nhau. Đầu tiên là Thứ sử Cổn Châu Lưu Đại giết Thái thú Đông Quận Kiều Mạo, tiếp đến là Thái thú Bột Hải Viên Thiệu khử Ký Châu Mục Hàn Phức, tiếp nữa là anh em Viên Thiệu, Viên Thuật hạ bệ lẫn nhau.
Chiến thuật của Viên Thuật là câu kết với Công Tôn Toản phía bắc kiềm chế Viên Thiệu; Chiến thuật của Viên Thiệu là câu kết với Lưu Biểu phía Nam đối phó với Viên Thuật. Hai bên đều sử dụng sách lược liên kết với kẻ xa để đánh kẻ gần (viễn giao cận công).Vậy nên Tam quốc chí phàn nàn anh em họ Viên, là anh em mà còn bán anh em gần, mua láng giềng xa như thế!
Có điều, anh em bất hòa không phải là chuyện lớn nhất của anh em Viên Thiệu. Cũng không phải anh em họ Viên không chuẩn bị cho cuộc chiến. Nguyên nhân dẫn đến anh em Viên Thiệu (và cả Đổng Trác) sụp đổ, là tất cả họ đều mắc một sai lầm nghiêm trọng về chính trị. Chính vì sai lầm đó, họ bị cái họa tày trời. Vậy đó là sai lầm gì? Viên Thiệu, Viên Thuật và cả Đổng Trác đã sai lầm như thế nào. Tại sao Tào Tháo tránh được sai lầm ấy?