Tạo thế đánh thắng trận then chốt chiến dịch
Nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng địch trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai (Bắc Tây Nguyên), mở rộng hành lang chiến lược nối liền vùng giải phóng ở Bắc Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, phối hợp với hướng chủ yếu Trị-Thiên trong cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam, tháng 3-1972, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ tư lệnh (BTL) Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch tiến công địch ở khu vực Bắc Tây Nguyên.
Chiến dịch diễn ra từ ngày 30-3 đến 5-6-1972, thể hiện bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch tiến công, trong đó nổi bật là nghệ thuật xác định mục tiêu, tạo thế đánh trận then chốt chiến dịch.
Căn cứ vào tình hình địch, địa hình, khả năng của ta, BTL chiến dịch xác định trận đánh then chốt đầu tiên là tiến công cụm cứ điểm Đắk Tô-Tân Cảnh, gồm sở chỉ huy nhẹ sư đoàn 22 và 2 trung đoàn bộ binh 42, 47; 1 tiểu đoàn của trung đoàn 41, thiết đoàn 14, 2 tiểu đoàn pháo binh, 6 tiểu đoàn bảo an, do cố vấn Mỹ chỉ huy. Lúc đầu, ta xác định phương án tiến công địch phòng ngự ở Đắc Tô-Tân Cảnh theo cách bóc vỏ, đánh từ ngoài vào trong. Thế nhưng, sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, cách bố trí phòng ngự của địch, BTL chiến dịch quyết định mở đường theo sườn núi Ngọc Linh đưa xe tăng, pháo binh và cao xạ có xe kéo bất ngờ đánh thẳng vào căn cứ 42 (Tân Cảnh) từ hướng đông, hướng địch sơ hở nhất.
Theo kế hoạch, 4 giờ 30 phút ngày 24-4-1972, sau 20 phút pháo bắn chuẩn bị mở thông cửa mở, hai đại đội 3 và 6 thuộc Trung đoàn 66 (Sư đoàn bộ binh 2) và 9 xe tăng thuộc Đại đội 7 xuất kích theo Đường 14, vượt qua thị trấn Tân Cảnh, quận lỵ Đắk Tô (Đắck Tô 1), tiến về hướng căn cứ 42, gây bất ngờ cho địch. 5 giờ 10 phút ngày 24-4, từ các hướng, bộ binh và xe tăng ta tiến công, lần lượt đánh chiếm các mục tiêu bên trong, rồi nhanh chóng thọc sâu đánh thẳng vào trung tâm sở chỉ huy sư đoàn 22, trung đoàn 42 và khu cố vấn Mỹ. Đến 11 giờ ngày 24-4, quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ 42-Tân Cảnh, diệt và bắt toàn bộ quân địch.
Cùng thời gian này, Tiểu đoàn 60 thuộc Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 10 Đặc công (Sư đoàn bộ binh 2) cũng mở xong cửa mở vào căn cứ Phượng Hoàng (Đắk Tô 2). Được pháo binh chi viện hỏa lực và 1 trung đội xe tăng từ căn cứ 42 theo Đường 18 tăng cường kịp thời, bộ binh ta tiến công vào Đắk Tô 2. Trước khí thế tiến công của ta, địch định dùng kế trá hàng để tìm đường rút chạy. Tương kế tựu kế, ta vờ chấp nhận để tạo thế bất ngờ, đồng loạt tiến công khép chặt các hướng đông và tây, không cho địch vượt sông Pô Kô tháo chạy. Lập tức, Đại đội 7 tiến đánh sân bay, bắn cháy 2 xe tăng địch, 2 chiếc còn lại chạy ra Đường 14 thì bị xe tăng ta tiêu diệt. Quân địch hoảng hốt tháo chạy hỗn loạn ra bờ sông Pô Kô bị quân ta đón lõng, dồn vào một thung lũng hẹp tiêu diệt. Đến 10 giờ ngày 24-4, ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Đắk Tô 2. Thừa thắng, bộ đội ta tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ quận lỵ Đắk Tô. Lực lượng địch ở các cứ điểm khác hoảng sợ tháo chạy về co cụm, cố giữ thị xã Kon Tum.
Sau thắng lợi của trận then chốt đầu tiên, BTL chiến dịch quyết định chuẩn bị tiến công thị xã Kon Tum, trận then chốt thứ hai. Sau hơn 10 ngày vây hãm tiến công, mặc dù địch thay đổi thủ đoạn và tăng cường biện pháp đối phó, nhưng trước yêu cầu phối hợp khẩn trương khi mùa mưa sắp đến, ngày 25-5, BTL chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tiến công giải phóng thị xã. Quân ta trên các hướng đồng loạt nổ súng, đến cuối ngày 25-5, chiếm được phía nam sân bay và một phần khu hành chính, làm chủ khu vực phía đông và nam thị xã. Từ ngày 26 đến 27-5, ta tiếp tục tiến công các mục tiêu trong thị xã, trong đó có sở chỉ huy sư đoàn 23 ở biên khu 24 địch. Do ta tổ chức hiệp đồng thiếu chặt chẽ, các hướng phát triển tiến công không đều, nhất là hướng tây, địch tập trung lực lượng phản kích dữ dội. Xét thấy khả năng tiến công tiêu diệt địch trong thị xã không còn và địch dùng pháo binh, máy bay, kể cả B52 rải thảm, gây cho ta nhiều tổn thất, đêm 5-6-1972, BTL chiến dịch quyết định cho các đơn vị rút quân kết thúc trận đánh, cũng là thời điểm kết thúc Chiến dịch Bắc Tây Nguyên.
Thành công nổi bật về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch này là xác định mục tiêu, tạo thế trận, dụ địch ra khỏi công sự, thực hiện giam chân, chia cắt, làm giảm sức chiến đấu của địch để tập trung tiến công vào nơi địch sơ hở, tiêu diệt cụm cứ điểm Đắk Tô-Tân Cảnh (trận then chốt thứ nhất), mở đường tiến vào thị xã Kon Tum (trận then chốt thứ hai). Xét về ý nghĩa chiến lược thì đây là một chiến dịch thành công, làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên, tạo hành lang nối thông giữa Mặt trận Trị-Thiên với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, góp phần phát triển thế và lực của ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972; tạo tiền đề cho chiến dịch tiến công chiến lược Tây Nguyên tháng 3-1975, tiến tới tổng tiến công, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.