Tạo thế và lực ở Yên Mỹ

Là huyện nghèo của tỉnh Hưng Yên, những năm gần đây, trên cơ sở quán triệt và vận dụng nghị quyết đại hội đảng, cấp ủy chính quyền các cấp huyện Yên Mỹ đã dồn sức chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hóa. Mặt khác huyện tập trung xây dựng quy hoạch và thực hiện các chương trình công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tạo nên hướng đột phá mới.

Huyện Yên Mỹ hiện có hơn 3.700ha đất canh tác nông nghiệp, giảm gần 650ha so với năm 2020. Diện tích canh tác giảm, lao động nông nghiệp dôi dư, làm sao sản xuất ngày càng hiệu quả để ổn định đời sống người dân? Từ bài toán đó, cấp ủy, chính quyền đã phát huy trí tuệ, có quyết sách mới gắn liền đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo.

Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ, Nguyễn Văn Đoan cho biết, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây ăn quả phù hợp với lợi thế của vùng canh tác; tập trung khắc phục hạn chế về truyền thống canh tác lạc hậu, tăng cường quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường ở một số xã. Huyện đã quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hóa, hiệu quả cao như: Vùng trồng cây ăn quả có múi tại các xã Minh Châu, Yên Phú, Lý Thường Kiệt, Yên Hòa, Hoàn Long; vùng trồng rau màu VietGAP tại các xã Yên Phú, Hoàn Long, Việt Cường… Hệ thống đường giao thông nông thôn, nội đồng và kênh mương thủy lợi được huyện quan tâm đầu tư, cải tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân.

Để sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, bền vững, huyện phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn xây dựng mô hình sản xuất các loại cây trồng mới và áp dụng khoa học-kỹ thuật gắn với an toàn lao động vào sản xuất. Huyện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng an toàn, VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc… Đồng thời địa phương tăng cường liên kết “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Anh Trần Văn Luyến, Phó Giám đốc HTX sản xuất ổi, rau củ quả VietGAP xã Hoàn Long cho biết: Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và sản xuất theo quy trình VietGAP nên sản phẩm nông nghiệp của HTX luôn có đầu ra ổn định với giá bán cao hơn giá bán trung bình của người dân trong cùng địa bàn.

Tại xã Yên Phú, HTX cây ăn quả xã Yên Phú thành lập năm 2019 với 11 thành viên có tổng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản đạt 30ha. Đến nay, toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả của HTX đều đạt chứng nhận VietGAP, năng suất trung bình từ trồng cam đường canh đạt 1,7 tấn/sào, trừ chi phí cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/sào.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Yên Mỹ xác định sản xuất công nghiệp là khâu đột phá, động lực phát triển kinh tế của huyện. Từ mục tiêu, xây dựng Yên Mỹ thành huyện công nghiệp, huyện chú trọng xây dựng quy hoạch và thực hiện các chương trình phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp.

Theo đó, huyện đã tập trung nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững. Quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp của huyện đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện “một cửa” liên thông; tạo môi trường thân thiện để nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất.

Nhiều năm liền các tuyến đường tỉnh, đường quốc lộ qua địa bàn huyện được nâng cấp, mở rộng tạo thành mạng lưới giao thông kết nối, đồng bộ góp phần thu hút các nhà đầu tư. Huyện đã chủ động quy hoạch và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Yên Mỹ thời gian qua đã có bước phát triển mạnh cả về “lượng” và “chất”.

Trên địa bàn huyện đã có 5 khu công nghiệp đang hoạt động với hơn 320 dự án đầu tư. Huyện đang có hơn 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng vạn lao động.

Bên cạnh đó, nhiều làng nghề trên địa bàn huyện được phục hồi và phát triển ổn định, như: Làng nghề Chế biến lương thực, thực phẩm thôn Trai Trang (thị trấn Yên Mỹ); làng nghề mộc Thụy Lân (xã Thanh Long), làng nghề sản xuất miến dong thôn Lại Trạch (xã Yên Phú)…

Toàn huyện đã được phát triển 11 cụm công nghiệp với quy mô diện tích hơn 257ha. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, xây dựng với các ngành trọng điểm như: Cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng… Đến nay, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng gần 84% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Chủ tịch UBND huyện Đặng Xuân Lương trao đổi, Yên Mỹ đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và thu nhập người dân. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Yên Mỹ tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó then chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực ngang tầm; phát huy tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; đề cao trách nhiệm phản biện và giám sát xã hội của nhân dân với tác phong, tư duy mới nhằm thu hút trí tuệ, nguồn lực cho các mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển ■

ĐẶNG NHẬT - THỤY ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-the-va-luc-o-yen-my-post736610.html