Tạo thêm động lực cho doanh nghiệp vượt khó

Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hòa Bình. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp (DN), HTX mới thành lập mới… Đó là mục tiêu UBND tỉnh đặt ra nhằm củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho DN vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển.

Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hòa Bình. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp (DN), HTX mới thành lập mới… Đó là mục tiêu UBND tỉnh đặt ra nhằm củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho DN vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển.

Công ty cổ phần Lạc Thủy đóng trên địa bàn xã Phú Nghĩa, đảm bảo hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Công ty cổ phần Lạc Thủy đóng trên địa bàn xã Phú Nghĩa, đảm bảo hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, bất lợi của tình hình thế giới ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu của DN trong nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Việc phát triển DN trên địa bàn tỉnh gặp trở ngại.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhà đầu tư (NĐT) trên địa bàn tỉnh thông qua việc đẩy mạnh hoạt động Ban Chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh tỉnh Hòa Bình; thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh; thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN, NĐT, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tổ chức giao ban chuyên đề giữa BTV Tỉnh ủy với các DN; tổ chức các cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với người dân, các tổ chức hội và DN.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh sát sao chỉ đạo tập trung CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thông qua việc ban hành danh mục 1.113 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 745 dịch vụ công trực tuyến một phần cung cấp trên Cổng Dịch vụ công tỉnh. Chỉ đạo tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, minh bạch hóa các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, xây dựng… Bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, gây cản trở cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN…

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, CCHC của tỉnh đã có chuyển biến khá tích cực. Cuối năm 2023, tổng hợp các chỉ số thành phần tỉnh Hòa Bình đạt 76,66 điểm, xếp thứ 14 cả nước, kết quả này đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, củng cố niềm tin của DN, NĐT.

Tuy vậy, qua tìm hiểu thực tế và tại nhiều diễn đàn, hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chức năng và chuyên gia kinh tế nhận định, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh chưa thực sự bứt phá, thể hiện ở DN tiếp cận đất đai gặp nhiều khó khăn; TTHC còn phức tạp, những mâu thuẫn trong quy định của pháp luật, một số quy hoạch (QH) chồng chéo, chưa được xử lý. Công tác thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp chậm được đầu tư. Công tác phối hợp giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa tốt. Tinh thần, thái độ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ trực tiếp giải quyết các công việc của DN, NĐT còn nhiều hạn chế… Đây chính là điểm nghẽn, là nút thắt nhất thiết phải được tháo gỡ trên hành trình phát triển nhằm đạt được mục tiêu kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Thực tế đã chứng minh, mọi việc thành công hay thất bại đều do con người, bởi "Cán bộ là gốc của công việc”. Chính vì vậy, việc tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ cốt lõi. Trong năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành cần chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, NĐT phát triển sản xuất - kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm.

Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy vai trò người đứng đầu trong việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân đối với triển khai các dự án, đồng thời hỗ trợ NĐT trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm triển khai hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, tạo lòng tin cho người dân trong khu vực dự án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và huyện, thành phố, các sở, ngành, phòng, ban thường xuyên tiếp xúc với DN và NĐT. Đổi mới phong cách làm việc của từng cán bộ, công chức, từng đơn vị và phương pháp đánh giá chất lượng cán bộ, công chức nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ tiếp xúc làm việc trực tiếp với DN, NĐT; thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương công chức trong thực thi công vụ.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng đơn giản hóa TTHC, tạo lập môi trường thông thoáng cho người dân, DN; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu…

Đặc biệt, QH tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố. Đây là QH có tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Chính vì vậy, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo xây dựng và thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch thực hiện QH tỉnh nhằm khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hiện thực hóa khát vọng phát triển, Song song với đó, đôn đốc các huyện, thành phố lập và điều chỉnh, phê duyệt QH xây dựng vùng huyện, QH chung đô thị, QH phân khu và các QH xây dựng chi tiết nhằm mục tiêu bao phủ hầu hết các khu vực để tạo cơ sở thu hút đầu tư…

Bình Giang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/187229/tao-them-dong-luc-cho-doanh-nghiep-vuot-kho.htm