Tạo thói quen bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Trong nhiều tháng qua, Chi cục Kiểm ngư tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện Dự án tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS), đạt được kết quả khả quan.
Dự án tập trung tuyên truyền các nội dung như: Công tác quản lý khai thác và bảo vệ NLTS, nguyên nhân suy giảm NLTS; những quy định về khai thác, xử phạt vi phạm hành chính trong trong lĩnh vực thủy sản; danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ; một số quy định có liên quan đến công tác quản lý khai thác, bảo tồn, bảo vệ và phát triển NLTS,…
Có 30 lớp tập huấn tuyên truyền được tổ chức ở 30 xã, với 1.359 lượt người tham dự.
Thông qua các lớp tập huấn tuyên truyền, người dân nắm bắt và hiểu thêm những quy định mới của Nhà nước ban hành liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản; ý thức được việc khai thác thủy sản không đúng quy định, khai thác có tính tận diệt, hủy diệt nguồn lợi là việc làm sai; từ đó, ý thức cùng chung tay với Nhà nước, cộng đồng bảo vệ và phát triển NLTS theo hướng bền vững.
Anh Trần Vinh Ka, ấp Lung Đước, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Lúc trước tôi chỉ nghĩ, với hành vi đánh bắt cá trái phép, dùng xung điện… thì chỉ là bị phạt sơ thôi. Sau khi tham gia lớp tuyên truyền, tôi cũng như phần lớn bà con ngư dân hiểu được tính nghiêm trọng của sự việc. Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm đến những quy định mới của Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính, nhất là Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản".
Nhờ nâng cao ý thức nên người dân hay các hộ kinh doanh đã biết chung tay bảo vệ NLTS. Có nhiều địa phương, chính người dân đứng ra tố giác hành vi đánh bắt thủy hải sản trái phép, nhiều người còn tự giác giao nộp dụng cụ xung điện…
Điển hình như ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, người dân tự nguyện giao nộp 200 dụng cụ xung điện cho cơ quan chức năng; ở xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, người dân tự nguyện là vệ tinh cho chính quyền địa phương trong công tác phòng chống đánh bắt thủy hải sản trái phép.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cho biết: “Qua những lớp tập huấn tuyên truyền, ý thức của người dân được nâng cao và biểu hiện bằng hành động thực tế. Trước đây, người dân xem việc sử dụng xung điện là chuyện thường; còn bây giờ, họ tự khẳng định với nhau đây là hình thức bị Nhà nước cấm, không được phép tiếp tục làm nữa. Thậm chí, họ còn chụp ảnh, quay clip những người lén sử dụng xung điện để gửi cho công an ấp, xã… thay vì sự ngại va chạm, mặc kệ, thờ ơ như trước. Cán bộ xã cũng thường xuyên xuống tận nơi tuyên truyền để tạo hiệu ứng liên tục song song với những lớp tập huấn, giúp người dân được nhắc nhớ như một thói quen trong việc bảo vệ NLTS”.
Không chỉ nam giới mà chính các chị em phụ nữ cũng vô cùng quan tâm đến công tác bảo vệ NLTS tại địa phương. Hội phụ nữ các cấp từ xã đến huyện cử người đến học, nghe giảng và tích lũy nhiều kiến thức trong các buổi tập huấn. Sau đó, chị em phụ nữ về phổ biến lại kiến thức cho nhau trong các buổi họp tổ, nhóm…
Chị Nguyễn Thị Đậm, ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Buổi họp hội nào các chị em cũng nhắc về việc bảo vệ NLTS, chống đánh bắt trái phép, không sử dụng những dụng cụ hay chất gây hại cho sinh vật biển… Từ đó, tôi và các chị em khác cũng nằm lòng, rồi mình về nói lại cho chồng và người thân nghe để biết, tránh vi phạm pháp luật”.
Sắp tới, các buổi tập huấn tuyên truyền sẽ được tổ chức nhiều hơn cho nhiều địa phương và mở rộng đối tượng tham gia, để nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ NLTS.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Công tác tuyên truyền tập huấn là rất quan trọng trong việc tạo ý thức cho người dân trong cộng đồng dân cư về chống khai thác trái phép, chống sử dụng dụng cụ, hóa chất bị cấm đối với khai thác thủy hải sản… Từ đó, tạo thành thói quen ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của người dân. Một thời gian dài với thói quen tốt và biết được tính nghiêm trọng của việc vi phạm pháp luật sẽ giúp giảm thiểu nhiều vụ việc không hay xảy ra. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng một số tổ đồng quản lý trong chống khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản; thực hiện nhiều đợt chuyển đổi nghề, tổ chức phát triển nuôi trồng để chống cường độ khai thác mạnh…”./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tao-thoi-quen-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-a34698.html