Tạo thu nhập bằng việc may gia công

'Đến bây giờ thì 7 lao động trước đây là công nhân làm việc tại các công ty, xưởng may ở Thành phố Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của COVID 19 phải trở về quê hương đã bắt đầu có việc làm ổn định từ nhận may gia công quần short nam. Sản phẩm của nhóm công nhân sau khi hoàn chỉnh, tôi sẽ thu gom, đóng gói gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ', anh Lê Mạnh Cường chia sẻ.

 Nhóm công nhân đang làm việc tại xưởng may gia công của anh Lê Mạnh Cường - Ảnh: S.H

Nhóm công nhân đang làm việc tại xưởng may gia công của anh Lê Mạnh Cường - Ảnh: S.H

Đến nhà của anh Lê Mạnh Cường (SN 1980) nằm ở cuối Thôn 2, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, chúng tôi thấy nhịp độ làm việc hối hả của nhóm công nhân để hoàn thành nhiều đơn hàng may gia công gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày cận tết Nguyên đán Nhâm Dần. Dù khá bận rộn với công việc kiểm tra các đơn hàng may gia công, anh Cường vẫn vui vẻ dành thời gian để trò chuyện cùng chúng tôi. Anh Cường cho biết, trước đây anh từng làm nghề biển với thu nhập bấp bênh, nên cuộc sống gia đình anh quá khó khăn. Năm 2004, anh Cường vào Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân cho xưởng may gia công tại huyện Hóc Môn.

Cứ tưởng suốt đời sẽ gắn bó với vùng đất phương Nam, nhưng rồi COVID-19 bùng phát đã khiến nhiều công nhân như anh không có việc làm, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. “Khi COVID-19 xảy ra, gần 3 tháng trời gia đình tôi đóng cửa ở trong nhà để tránh dịch. Không có việc làm, thu nhập, nên nguồn sống của cả gia đình đều trông chờ vào từng bao gạo, mớ rau, con cá của ba mẹ ở quê gửi vào tiếp tế. Đến khoảng cuối tháng 10/2021, khi các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống COVID-19 tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào Thành phố Hồ Chí Minh giáp với các tỉnh ngừng hoạt động, tôi vội vàng thuê xe vận chuyển máy móc, trang thiết bị may gia công cùng vợ con nhanh chóng trở về quê nhà”, anh Cường cho biết.

Công việc đầu tiên mà anh Cường làm khi đặt chân về quê ở Thôn 2, xã Triệu Lăng là thưng che, cơi nới lại khoảng sân trước nhà thành xưởng may gia công quy mô nhỏ. Sau đó, anh Cường tìm đến những lao động trước đây vốn làm công nhân cho các công ty, xưởng may gia công ở Thành phố Hồ Chí Minh trở về quê do COVID-19 để tập hợp đến xưởng may của gia đình anh nhận hàng may gia công. Sản phẩm của nhóm công nhân sẽ được anh thu gom rồi gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Theo anh Cường thì sở dĩ anh tìm đến những người trước đây là công nhân của các công ty, xưởng may gia công là bởi các đơn hàng may gia công yêu cầu rất cao, đường may phải tỉ mỉ, chính xác… Tất cả sản phẩm trước khi xuất đi đều phải kiểm tra rất kỹ lưỡng, sản phẩm nào chưa đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ ngay. Đó là cách tạo niềm tin với đối tác và tạo chỗ đứng trên thị trường may gia công trong tương lai. Công việc tiếp theo của anh Cường là chủ động liên hệ với các công ty, xưởng may gia công ở Thành phố Hồ Chí Minh mà trước đây anh Cường quen biết để mua nguyên liệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sau hơn 4 tháng về quê, đến nay xưởng may gia công quy mô nhỏ của gia đình anh Cường đã nhận được khá nhiều đơn hàng may gia công quần short nam. Bình quân mỗi ngày, xưởng may gia công được 150 - 170 sản phẩm. Nhóm công nhân làm việc ở xưởng may gia công của gia đình anh có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Chị Trần Thị Linh (17 tuổi) ở xã Triệu Lăng cho biết, trước khi về quê chị từng làm công nhân cho xưởng may gia công tại huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi COVID-19 bùng phát, chị Linh đã phải “cố thủ” cả tháng trời trong phòng trọ vì ra ngoài sợ bị lây nhiễm COVID-19. Không có việc làm, thu nhập nên chị Linh chỉ ăn mì tôm cho qua bữa. Rồi khoảng cuối tháng 10/2021, chị Linh quyết định về quê.

Sau đó, chị Linh được anh Lê Mạnh Cường gọi đến xưởng để may gia công sản phẩm. “Mỗi ngày em đều cố gắng làm việc từ 6 giờ sáng cho đến tận 20 giờ đêm mới nghỉ. Nhận hàng may gia công, thu nhập theo sản phẩm nên em phấn đấu làm để kiếm thêm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Thu nhập của em hiện tại là khoảng 6 - 7 triệu đồng/ tháng. Dù thu nhập thấp hơn chút ít so với hồi còn làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng được sống gần gia đình, em cảm thấy rất yên tâm”, chị Linh bộc bạch.

Anh Lê Mạnh Cường cho biết thêm: “Mấy tháng qua, có khá nhiều lao động của xã Triệu Lăng đến tìm tôi với mong muốn kiếm việc làm, có thêm thu nhập. Nhưng hiện giờ ở xưởng may của gia đình tôi chỉ đủ máy móc phục vụ nhóm công nhân, nên không thể nhận thêm người”.

Mong ước lớn nhất của anh Cường là được tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn, được vay vốn ưu đãi để hoàn thiện xưởng may gia công còn tạm bợ và mua thêm máy móc, trang thiết bị…từ đó tìm kiếm nhiều đơn hàng để cải thiện thu nhập cho nhóm công nhân đang làm việc tại xưởng. Dự định xa hơn của anh Cường là nếu cơ quan chức năng, địa phương tạo điều kiện về mặt bằng, nguồn vốn, anh sẽ xây dựng xưởng may gia công có quy mô lớn hơn, mua sắm thêm máy móc, thiết bị và tuyển dụng, đào tạo thêm nhiều lao động trên địa bàn xã Triệu Lăng cũng như các xã lân cận.

Sỹ Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164758&title=tao-thu-nhap-bang-viec-may-gia-cong