Tạo thuận lợi cho công dân trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh
Ngày 12-6, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Buổi sáng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung Quốc hội tiến hành thủ tục đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Bùi Mậu Quân (đoàn Hải Dương) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải ban hành luật. Theo đại biểu Bùi Mậu Quân, hiện nay, trong xu thế hội nhập, nhu cầu xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng, chính điều này gây áp lực rất lớn cho công tác giải quyết xuất, nhập cảnh. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục xuất, nhập cảnh cho công dân vẫn đang thực hiện theo các quy định cũ gồm 2 nghị định và 9 thông tư hướng dẫn, trong đó có rất nhiều văn bản cũ cách đây hàng chục năm, còn nhiều thủ tục rườm rà, bất cập. Chính vì vậy, cần ban hành một bộ luật mới về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để điều chỉnh các hoạt động này. Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Mậu Quân cho rằng, dự án luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu về cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, quy định rất rõ, cụ thể về các hành vi bị cấm cũng như quyền, nghĩa vụ của công dân trong các hoạt động xuất, nhập cảnh.
Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) đánh giá, dự thảo luật có nhiều điểm mới, hướng tới phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cụ thể hóa các quyền tự do đi lại của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013. Một trong những điểm mới là hộ chiếu có gắn chip điện tử và kiểm soát nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động. “Quy định này rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho sản xuất, phát hành loại hộ chiếu này, góp phần nâng tầm giá trị cuốn hộ chiếu Việt Nam và áp dụng công nghệ tiên tiến trong kiểm soát xuất, nhập cảnh”, đại biểu Hà Thị Lan chia sẻ. Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) đề nghị, đối với quy định về hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ nên theo phương án chỉ quy định những nguyên tắc chung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Nếu quy định quá chi tiết như dự thảo luật dẫn đến khi thực tiễn thay đổi sẽ phải sửa luật. Ngoài ra, việc quy định đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao quá cụ thể có những nội dung sẽ không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề , Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành sẽ bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong những năm qua. Dự án luật này được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương; ý kiến của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan hữu quan để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội.
Cùng ngày, Quốc hội đã tiến hành thủ tục đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Tổng thư ký Quốc hội sẽ công bố nội dung nghị quyết này theo đúng thời gian luật định.
Hôm nay (13-6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Kiến trúc; thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).