Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngày 15-11, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế tán thành thể chế hóa chủ trương Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị (về hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài) tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). (ẢNH: DUY LINH)

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). (ẢNH: DUY LINH)

NDĐT - Ngày 15-11, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế tán thành thể chế hóa chủ trương Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị (về hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài) tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Thể chế hóa danh mục đầu tư theo cách chọn bỏ

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư sửa đổi, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án Luật Đầu tư sửa đổi bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cách tiếp cận trên nhằm thể chế hóa quan điểm, giải pháp tại Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Hiệp định song phương về đầu tư.

Cụ thể danh mục này sẽ bao gồm ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.

“Ngoài hai danh mục nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước”, Bộ trưởng KHĐT phát biểu.

Thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Kinh tế (UBKT) cho biết, cơ bản tán thành bổ sung quy định về ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày của Bộ Chính trị.

UBKT đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát bảo đảm tính thống nhất của những nội dung trên với quy định của Luật Quản lý ngoại thương về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 5).

“Có sự khác biệt cơ bản về quyền được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế trong nước và của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, báo cáo thẩm tra của UBKT nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). (ẢNH: DUY LINH)

Về cách thức quy định Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, UBKT đề nghị xây dựng Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường ngay trong Phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), nhất là Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc xây dựng trong Phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ trong chính sách đầu tư.

Lập start-up sẽ không cần giấy phép đầu tư

Về nhóm các quy định về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng KHĐT cho biết dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ “không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo”.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng “bãi bỏ thủ tục đăng ký trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam; phân định rõ điều kiện, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán”.

Ngoài ra, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng “bổ sung quy định yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp đầu tư góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có dự án đầu tư, kinh doanh trong một số địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”.

Về những nội dung trên, UBKT đề nghị đơn vị soạn thảo bổ sung quy định về nguyên tắc, tiêu chí để chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Đồng thời, UBKT cũng đề nghị đơn vị soạn thảo rà soát, quy định đầy đủ, chặt chẽ về các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại tổ chức kinh tế có dự án đầu tư, kinh doanh trong một số lĩnh vực, địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường và an ninh kinh tế.

Bên cạnh đó, UBKT đề nghị đơn vị soạn thảo chỉnh sửa quy định tại khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) phù hợp với quy định tại Điều 50 của dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).

NHÓM PHÓNG VIÊN; ẢNH: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42251602-tao-thuan-loi-cho-nha-dau-tu-nuoc-ngoai.html