Tạo thuận lợi để người dân tiếp cận gói hỗ trợ mới

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về thực hiện 12 chính sách tập trung hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

Gói hỗ trợ an sinh xã hội đến với người dân ở Hà Nam (Ảnh: Tống Giáp).

Gói hỗ trợ an sinh xã hội đến với người dân ở Hà Nam (Ảnh: Tống Giáp).

Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc của Nghị quyết số 42/NQ-CP ban hành trước đó được đánh giá còn nhiều quy định thiếu tính thực tế, gây khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp (DN) khi tiếp cận gói hỗ trợ, nhất là những đối tượng cần ưu tiên như nhóm lao động phi chính thức.

Việc hỗ trợ chưa đạt kỳ vọng

Trong năm 2020, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng và một loạt chính sách về tài khóa, tín dụng để hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai được đánh giá chưa đạt hiệu quả, mục đích như mong muốn khi tỷ lệ thực hiện còn rất thấp, nhiều nhóm đối tượng chưa được hưởng gói hỗ trợ này do khó xác định các điều kiện thụ hưởng, nhất là nhóm lao động phi chính thức như: người bán hàng rong, kinh doanh vỉa hè, hàng quán nhỏ lẻ,… bởi chưa được “định danh” để đưa vào diện nhận hỗ trợ.

Cũng như nhiều người buôn bán vỉa hè, lề đường khác, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của chị Đỗ Thị Liên (quê huyện Phúc Thọ, Hà Nội) khi gần một tháng qua, chị phải nghỉ ở nhà. Theo lời chị Liên, trước đây, mỗi ngày chị đẩy xe hàng đi bán rong tạp hóa được khoảng 100 đến 150 nghìn đồng, nhưng từ khi dịch xảy ra, họa hoằn lắm mới có khách gọi vào mua, thậm chí có ngày chị không bán được đồng nào. Với tình cảnh như hiện nay, chị Liên chỉ mong lãi mỗi ngày 80 đến 100 nghìn đồng để chi trả sinh hoạt phí và tằn tiện gửi về quê 1,5 triệu đồng mỗi tháng để ông bà nội có tiền lo cho con gái út mới 5 tuổi ăn học.

Thu nhập còm cõi cho nên những bữa ăn của chị Liên rất tạm bợ, có hôm hết tiền, chị chỉ biết mua vài gói mì tôm và chút hành hoa nấu ăn qua bữa. “Dù biết thông tin Nhà nước hỗ trợ tiền mặt cho NLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19, bản thân tôi cũng tới UBND phường nơi thuê trọ để hỏi. Nhưng sau khi nghe cán bộ phường phổ biến mới biết mình không được nhận hỗ trợ vì không đáp ứng điều kiện về đăng ký tạm trú. Vì phải thuê trọ nay chỗ này mai chỗ khác, cho nên tôi không làm tạm trú. Hơn nữa, việc đăng ký tạm trú cũng phức tạp, chưa kể chủ các nhà trọ chỉ làm cho người nào ở hai năm trở lên, do đó việc đáp ứng yêu cầu để được nhận hỗ trợ đối với tôi là rất khó”, chị Liên than thở.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Ba, chủ cửa hàng điện tử trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cả nhà bốn miệng ăn đều trông chờ vào cửa hàng chưa đầy 20 m2. Đợt dịch đầu năm 2020 đã khiến cả gia đình điêu đứng khi hàng nhập về không tiêu thụ được. Đã vậy, tiền thuê cửa hàng vẫn phải trả đều đặn và không được giảm khiến anh Ba phải chạy đôn chạy đáo vay mượn để tiếp tục thuê cửa hàng, đồng thời túc tắc nhận thêm sửa chữa đồ điện tử để duy trì cuộc sống, nhưng cũng chẳng có mấy khách. Do đó, đã nhiều lần anh phải đóng cửa hàng từ 20 đến 30 ngày để tiết giảm chi phí điện, nước, sinh hoạt.

Nhắc đến khoản hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ đồng, anh Ba chia sẻ, để xin hỗ trợ phải làm đơn và được UBND phường xác nhận về việc đóng cửa, rồi sau đó cơ quan thuế và UBND quận thẩm định lại, rà soát mới được UBND cấp thành phố duyệt. Nói chung, để được nhận một triệu đồng/tháng trong vòng ba tháng phải làm rất nhiều thủ tục, cho nên anh cũng từ bỏ ý định nhận hỗ trợ. Chưa kể tìm hiểu anh được biết, mình cũng không nằm trong danh sách bị buộc ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 nên càng khó để nhận hỗ trợ.

Có thể thấy, Nghị quyết số 42 là chính sách rất kịp thời, tạo niềm tin đối với người dân, DN trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhiều người dân và DN chưa thật sự tiếp cận được các gói hỗ trợ đã triển khai. Thực tế đã cho thấy, tính khả thi của chính sách còn yếu, việc thực hiện còn gây khó khăn đối với các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt với các đối tượng cần được hỗ trợ nhất lại gần như không tiếp cận được.

Đồng thời, khâu thực thi đã phát sinh nhiều vướng mắc, với một số điều kiện nhận hỗ trợ không thực tế khiến việc giải ngân bị chậm và đình trệ. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ còn thấp kèm theo điều kiện để thụ hưởng khá phức tạp, khiến nhiều hộ kinh doanh không mặn mà với việc nhận hỗ trợ. Chính vì vậy, tính đến hết tháng 5 vừa qua, gói hỗ trợ bằng tiền mặt mới chỉ thực hiện được gần 14 nghìn tỷ đồng trên tổng số 35.880 tỷ đồng; chỉ có hơn 56 nghìn NLĐ tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với số tiền 80,6 tỷ đồng (chiếm 0,23%); hơn 37 nghìn hộ kinh doanh được hỗ trợ với số tiền 38 tỷ đồng (chiếm 0,11%),...

Phát huy hiệu quả gói hỗ trợ mới

Kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ NLĐ tự do tại Nghị quyết số 68 vừa được Chính phủ ban hành, chị Lê Hoài Phương (trú tại huyện Sơn Động, Bắc Giang) chia sẻ, từ giữa năm 2020 chị đã buộc phải nghỉ công việc nhân viên dọn vệ sinh tại một nhà nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội. Trước đây, khi nghe tin có chính sách hỗ trợ NLĐ mất việc, chị Phương rất mừng, thế nhưng, từ khi tổ dân phố đến ghi tên, phát phiếu khai thu nhập đến nay, khoản tiền hỗ trợ vẫn “bặt vô âm tín”. Qua tìm hiểu mới biết, các quy định cứng nhắc, chẳng khác gì “đánh đố” người dân. Do đó, điều mong mỏi nhất của NLĐ như chị với nghị quyết mới lần này là các điều kiện nhận hỗ trợ được nới lỏng, nhất là điều kiện về tạm trú, góp phần nhanh chóng được nhận hỗ trợ tối thiểu 1,5 triệu đồng nhằm trang trải cuộc sống trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Chung tâm trạng, anh Lê Văn Minh, chủ một quán lẩu tại phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, suốt từ năm 2020 đến nay, anh chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào sau nhiều đợt phải đóng cửa, giãn cách, ngoại trừ được giảm một chút tiền điện. Việc kinh doanh thời gian gần đây khá ế ẩm. Khi chưa có dịch, doanh thu của quán lên đến sáu triệu đồng/ngày, nhưng nay đã giảm hẳn 70%. Với tình trạng này, anh cũng không biết lấy nguồn ở đâu để nộp tiền thuê mặt bằng sáu tháng khi thời hạn thanh toán sắp đến. Vì vậy, anh Minh cũng rất nóng lòng về thời gian chính thức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ một lần ba triệu đồng với hộ kinh doanh tại Nghị quyết 68 của Chính phủ. Đồng thời, anh cũng mong nhận được hỗ trợ giảm thuế vì hiện cửa hàng của anh đang chịu mức thuế khoán khoảng 700 nghìn đồng/tháng (các khoản khác như tiền vệ sinh chung, tiền điện, nước mỗi tháng cũng lên đến vài triệu đồng)...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kỳ vọng lớn nhất của người dân đối với Nghị quyết 68 là các chính sách hỗ trợ mới cần thay đổi cơ bản cách triển khai để giúp nhóm đối tượng lao động phi chính thức bảo đảm mức sống tối thiểu cũng như giúp người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, phải thực hiện theo phương châm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và cần rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được người cần hỗ trợ. Triển khai thần tốc để kịp thời hỗ trợ người dân, DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, phải khắc phục những bất cập của gói hỗ trợ lần 1 khi nhiều địa phương cứng nhắc trong quá trình xét duyệt, lúng túng vì cho rằng nhóm lao động phi chính thức thường vi phạm trật tự, văn minh đô thị cho nên không được hỗ trợ... Bởi thế, với 12 chính sách hỗ trợ lần này, rất cần Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng tiêu chí, điều kiện nhận hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng, nghiên cứu để có thể “nới” quy định về đăng ký tạm trú; cần có hướng dẫn cụ thể, kiểm tra thường xuyên các địa phương trong quá trình thực hiện, không để các khúc mắc tái diễn. Gói hỗ trợ mới nên tùy biến theo từng địa phương, phát huy tính chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác triển khai... Có như vậy, gói hỗ trợ mới phát huy tối đa hiệu quả, bám sát thực tiễn.

MINH KHÔI và MINH ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tao-thuan-loi-de-nguoi-dan-tiep-can-goi-ho-tro-moi-653435/