Tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp
Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính, từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) bằng nhiều cách làm, mô hình khác nhau.
Qua đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN).
* Thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”
Ông Nguyễn Thanh Tú, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, từ đầu năm đến nay, để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh đã tập trung kiện toàn nhân sự, rà soát chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở vật chất tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai, bộ phận một của cấp huyện và xã; rà soát triển khai tiếp nhận TTHC ngành dọc theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 7-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện.
Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 1380/QĐ-TTg ngày 18-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Thực hiện liên thông các TTHC: đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, UBND tỉnh đã ban hành quy trình thực hiện trên cơ sở thực tế địa phương, tổ chức tập huấn cho huyện, thành phố, Sở LĐ-TBXH, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ liên thông.
Theo UBND tỉnh, trong 9 tháng của năm 2020, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của cấp tỉnh đạt 97,12%, cấp huyện 87,9%, cấp xã 98,4%.
Ông Nguyễn Thanh Tú cho biết thêm, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và tăng cường hiệu quả công khai minh bạch trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin cải cách hành chính của tỉnh, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tiến độ giải quyết TTHC, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trễ hạn của 20/20 sở, ngành, 11/11 UBND cấp huyện, 170/170 UBND cấp xã. Trong đó, chức năng tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức được hỗ trợ thực hiện qua nhiều phương tiện khác nhau, từ đó tạo cơ sở để đánh giá trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong giải quyết hồ sơ TTHC.
Đến Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai mới đây, anh Phạm Hữu Tịnh (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) vui vẻ bày tỏ: “Tôi rất hài lòng vì chỉ mất chừng 10 phút đã hoàn thành xong các thủ tục của mình. Cán bộ ở đây giải quyết rất chu đáo, nhiệt tình”.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nội vụ, nhằm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh tiếp tục mở rộng mô hình Phi địa giới hành chính trong tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ. Theo đó, người dân được lựa chọn nơi nộp hồ sơ, nhận kết quả giữa Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai và bộ phận một cửa tại 11/11 UBND cấp huyện với 29 TTHC của 6 lĩnh vực. Đây là giải pháp mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, DN trong việc nộp, nhận kết quả giải quyết TTHC.
* Chủ động đẩy mạnh cải cách TTHC
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai cho hay: “Để nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho các công dân và tổ chức, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã chủ động đổi mới, cải tiến phương pháp công khai TTHC, tạo các kênh để người dân, DN có thể dễ dàng tra cứu thông tin về TTHC, kiểm tra thông tin về trạng thái xử lý của hồ sơ và phản ảnh kiến nghị về chất lượng dịch vụ công”.
Điển hình như trung tâm áp dụng phần mềm quản lý hồ sơ điện tử (Egov) trong quá trình tiếp nhận, trả kết quả TTHC. Tất cả các hồ sơ khi tiếp nhận đều được ghi nhận thông tin trên phần mềm, đồng thời theo loại TTHC, phần mềm sẽ xuất phiếu biên nhận có mã hồ sơ, thời gian hẹn trả kết quả theo quy định. Việc các đơn vị chuyên môn yêu cầu bổ sung hồ sơ, ngưng giải quyết hoặc trả hồ sơ đều được ghi dấu trên phần mềm và được giám sát chặt chẽ. Qua đó, hỗ trợ việc theo dõi kết quả giải quyết hồ sơ định kỳ.
Trung tâm sử dụng hệ thống camera giám sát việc chấp hành giờ giấc của cán bộ, công chức, đồng thời, thực hiện lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng người dân trong giải quyết TTHC tại các quầy thông qua hệ thống iPad được lắp đặt tại mỗi quầy. Trung tâm cũng thực hiện việc công khai, niêm yết TTHC bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh đa dạng giúp người dân, DN có thể dễ dàng tra cứu thông tin về TTHC, kiểm tra thông tin về trạng thái xử lý của hồ sơ và phản ảnh kiến nghị về chất lượng dịch vụ công như: qua niêm yết tại trụ sở trung tâm, công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, hỗ trợ hướng dẫn và tra cứu thông tin qua Tổng đài dịch vụ công 1022.
“Trung tâm còn thực hiện cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, phục vụ cho người dân, DN trong quá trình giải quyết TTHC như: ngân hàng, bưu điện, công chứng, photo tài liệu… Đến Trung tâm Hành chính công tỉnh, người dân, DN có thể làm cùng một lúc nhiều dịch vụ trên mà không cần phải đi lại nhiều nơi để làm như trước đây” - bà Thanh Thảo nhấn mạnh thêm.
Bà Phùng Thị Bích Hường, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho biết: “Ngay từ đầu năm 2020, Cục Hải quan Đồng Nai đã chủ động “nhập cuộc” đồng hành, tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi giúp đỡ DN nâng cao khả năng ứng phó, chống đỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Trong đó, phải kể đến nỗ lực thực hiện cải cách TTHC”.
Theo bà Bích Hường, từ đầu năm đến nay, Cục đã đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý nghiệp vụ như: thông quan điện tử; thu/nộp thuế điện tử 24/7; dịch vụ công trực tuyến; giải quyết các TTHC trên hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; giám sát hải quan tự động; tư vấn trả lời vướng mắc cho DN qua trang web của Hải quan Đồng Nai… Những giải pháp này đã rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận tiện, không làm ách tắc, chậm muộn hàng hóa xuất nhập khẩu, hạn chế phát sinh chi phí lưu công, lưu bãi của DN, giảm thiểu chi phí cho DN.
Cùng với đó, Cục Hải quan Đồng Nai còn phân công, bố trí cán bộ trực ngoài giờ bao gồm cả thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết (khi DN có đề nghị) để hỗ trợ DN giải quyết thủ tục hải quan, thông quan, giải phóng hàng nhanh chóng, ngay cả trong giai đoạn cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19...
Trong khi đó, theo bà Đặng Thanh Thủy, Giám đốc Sở Ngoại vụ, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nỗ lực cải cách TTHC, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc ban hành quy chế xử lý đoàn ra, đoàn vào trên địa bàn tỉnh. “Có sự thay đổi lớn là thời gian xử lý hồ sơ đoàn ra đoàn vào của tỉnh sẽ được rút ngắn. Ví dụ như trước đây, phải mất từ 3-5 ngày để xử lý hồ sơ đoàn ra cho đối tượng không phải là lãnh đạo thì nay rút ngắn chỉ còn 2 ngày. Trong khi đó, việc quản lý đoàn vào thời gian cũng được rút ngắn, trước đó từ 10 ngày trở lên hiện tại chỉ còn 7 ngày. Đây là một trong những nỗ lực của Sở trong việc thực hiện cải cách hành chính” - bà Thanh Thủy cho hay.