Tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân
Đảng, Chính phủ khẳng định, nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân. Các chủ trương cải cách hành chính đang được thực hiện dồn dập, tạo trụ đỡ và mở ra cơ hội, nâng tầm vị thế của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sản xuất tại Công ty cổ phần May mặc Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Đỗ Tâm
Vì doanh nghiệp
Có thể nói, chưa bao giờ yêu cầu bứt phá mạnh mẽ, liên tục để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế tốc độ cao, trước mắt là ở mức 8% trở lên trong năm 2025 và tiến tới 2 con số những năm tiếp theo, được khẳng định dứt khoát, với tinh thần đồng lòng, quyết tâm cao như hiện tại.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26-3-2025 phê duyệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026. Quan điểm là đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tinh thần nhất quán, bao trùm là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, động lực, mục tiêu của sự phát triển; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm" để đánh giá, đo lường, kiểm tra, giám sát; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa TTHC.
Năm 2025, Chính phủ yêu cầu bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC. 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ. 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, 100% TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong từng cơ quan hành chính nhà nước được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, thời gian giải quyết, chi phí thực hiện và sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy, đồng thời bảo đảm thông suốt, hiệu quả.
Thực tế cũng cho thấy, song song với quá trình cải cách, hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp, ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, dịch vụ có tầm vóc cũng như ảnh hưởng lớn hơn hẳn so với giai đoạn trước đây. Đó là các dự án phát triển năng lượng, xây dựng hạ tầng giao thông, chế tạo cơ khí, lắp ráp-sản xuất ô tô, phát triển đô thị… từ đó thể hiện tốt hơn vai trò, vị thế của mình.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tích cực vào GDP của nền kinh tế, khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động-là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Với thực tế trên, Đảng và Nhà nước đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khu vực kinh tế này trong quá trình xây dựng một xã hội thịnh vượng.
Tập trung đồng hành, kiến tạo
Song, cũng cần nhìn nhận, đánh giá về sức mạnh, thực trang phát triển cả về số lượng, chất lượng của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân để gạn đục khơi trong, hỗ trợ phát triển nhanh, bền vững.
Trong đó, đáng lưu ý là một số mục tiêu, chỉ tiêu đạt được còn hạn chế, chưa như mong muốn. Đó là số lượng doanh nghiệp chưa đạt 1,5 triệu đơn vị vào năm 2025, số doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo chưa nhiều, tốc độ đổi mới công nghệ còn khá chậm, năng lực cạnh tranh và quy mô doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu đồng đều, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn…
Như vậy, xuất phát từ thực tế cũng như yêu cầu tăng tốc của nền kinh tế, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành, kiến tạo môi trường đầu tư-kinh doanh tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân ra đời, phát triển.
Được biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực triển khai của các bộ, ngành, địa phương từ năm 2021 đến hết tháng 2-2025 các đơn vị đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.199 quy định kinh doanh.
Trong rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đáng chú ý nhất là Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1-7-2025 đến hết 31-12-2026 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trong đó có thêm mặt hàng xăng, dầu.
Tính toán sơ bộ cho biết, nếu chính sách trên được thông qua, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 tương đương khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng. Song hiệu quả tác động của việc giảm thuế là rất lớn, trên diện rộng vì qua đó giảm áp lực đối với mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường. Kết quả tiếp theo sẽ là tác động lan tỏa, tạo ra hiệu ứng tích cực là kích cầu nội địa, phát triển kinh tế; đặc biệt là góp phần kiềm chế lạm phát. Thông qua việc kéo giảm mặt bằng giá hàng hóa xuống, việc giảm thuế giá trị gia tăng còn hỗ trợ thị trường đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nhiều hàng hóa hơn.
Trong cuộc gặp giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu đầu tháng 2 vừa qua, đại diện một số đơn vị hàng đầu như Thaco, FPT, Hòa Phát… đều khẳng định quyết tâm, khát vọng phát triển và đóng góp ngày càng lớn hơn vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Liên quan đến vấn đề đó, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, cơ quan chức năng tăng tốc độ cải cách, nâng cao hiệu quả điều hành, giải quyết các vướng mắc, vấn đề nảy sinh, rào cản đối với doanh nghiệp. Phương châm là xử lý nhanh để đưa nhanh các nguồn lực vào phục vụ phát triển.
Các chuyên gia cho rằng, những khát vọng, ý kiến và sự vào cuộc đồng bộ, tinh thần đồng thuận từ cấp vĩ mô đến doanh nghiệp toát lên ý chí rất cao, cho thấy sự chuyển biến sâu sắc từ tư duy đến hành động nhằm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Từ đó, khu vực kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu thịnh vượng của đất nước.