Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội
Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện yêu cầu của Chính phủ đến năm 2021 nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) - (A2) lên 30-40 bậc; năm 2019 từ 7-10 bậc, hiện ngành BHXH đang quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu này.
Chỉ số A2 là một trong 11 chỉ số mà Ngân hàng Thế giới (WB) điều tra, khảo sát để đánh giá mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của một đất nước, đánh giá mức độ cải cách trong từng lĩnh vực. Các chỉ số chủ yếu được đánh giá trên các tiêu chí: Số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và chỉ số đo lường chất lượng các quy định.
Theo BHXH Việt Nam, việc đo lường thời gian thực hiện nộp thuế và nộp BHXH được xếp hạng dựa trên 4 yếu tố gồm: Số lần nộp (chiếm 25%), thời gian (số giờ nộp thuế và BHXH trong năm, chiếm 25%), tổng thuế suất và các khoản phải nộp (% lợi nhuận chiếm 25%), chỉ số sau nộp thuế (chiếm 25%) với các tiêu chí đánh giá gồm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và chỉ số đo lường chất lượng các quy định.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, WB tiến hành đánh giá, xếp hạng cấu phần nộp BHXH (tức là việc doanh nghiệp thực hiện đăng ký BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp và nộp tiền) thông qua báo cáo thường niên môi trường kinh doanh (DB) đối với 11 lĩnh vực kinh tế của 190 quốc gia trên thế giới.
Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, việc đo lường, đánh giá cấu phần nộp BHXH trong chỉ số “nộp thuế và BHXH” có ý nghĩa lớn, một mặt giúp các nhà đầu tư xem xét mức độ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Việt Nam trong việc tạo thuận lợi đối với người sử dụng lao động nộp BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật; giúp cơ quan BHXH xem xét kết quả đánh giá độc lập về hoạt động cải cách đối với các TTHC tác động tới doanh nghiệp trong năm.
Được biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn xác định cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng được thực hiện thường xuyên, quyết liệt nhằm cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, công tác cải cách TTHC của ngành BHXH đã nhận được đánh giá cao từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng như sự đồng thuận của xã hội.
Năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ. Theo báo cáo của WB về môi trường kinh doanh năm 2019, xếp hạng chỉ số nộp thuế và BHXH của Việt Nam tăng 36 bậc so với môi trường kinh doanh năm 2017 (từ 167/190 lên 131/190).
Việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cũng là một trong những đột phá của BHXH Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Hiện số lần thực hiện giao dịch điện tử của doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã giảm từ 12 lần/năm trước đây xuống còn 1 lần/năm. Trong 5 năm qua, số lượng TTHC trong lĩnh vực BHXH đã được cắt giảm mạnh từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục (giảm trên 75%). Thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày và thẻ BHYT từ 7 ngày đều được rút ngắn xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày… Tất cả những cải cách này hướng đến một mục tiêu nhất quán là phục vụ ngày càng tốt hơn các tổ chức, cá nhân tham gia, hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Để đạt được mục tiêu Chính phủ yêu cầu đến năm 2021, nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và BHXH lên 30-40 bậc, năm 2019 từ 7-10 bậc, ông Đào Việt Ánh cho hay, nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế BHXH là một trong những mục tiêu quan trọng mà toàn ngành BHXH đang nỗ lực quyết tâm thực hiện. Trong đó, công tác cải cách TTHC luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. “Toàn ngành BHXH đã, đang và sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực, triển khai đồng loạt các giải pháp, quyết liệt thực hiện cải cách TTHC nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT”- ông Ánh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Đào Việt Ánh, để có thể nâng xếp hạng cấu phần nộp BHXH trong chỉ số nộp thuế - BHXH, phải tiếp tục giảm thời gian doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến nộp BHXH (hiện theo đánh giá là 147 giờ). Theo đó, ngành BHXH sẽ tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu trong quy định về nộp BHXH qua đó tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuẩn bị, kê khai và nộp BHXH; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối, chia sẻ nguồn dữ liệu chung thông tin của doanh nghiệp với các Bộ, ngành cơ quan liên quan.
BHXH Việt Nam đã xây dựng tài liệu hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố để có cách hiểu đúng, thống nhất về cấu phần “Nộp BHXH” trong chỉ số A2; yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm giảm thời gian thực hiện nộp BHXH đối với các đơn vị sử dụng lao động nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.