Tạo việc làm để giữ chân người lao động

Vì nhiều lý do, tới nay không ít công nhân làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... muốn về quê sinh sống. Yêu cầu đặt ra lúc này là giữ chân người lao động để khôi phục sản xuất công nghiệp khi có điều kiện. Với tinh thần đó, TPHCM và một số tỉnh Đông Nam bộ đã và đang có những hỗ trợ thiết thực cho người lao động.

Công nhân tại các tỉnh phía Nam thấp thỏm lo mất việc vì đơn hàng sụt giảm> Ảnh: Thanh Giang.

Công nhân tại các tỉnh phía Nam thấp thỏm lo mất việc vì đơn hàng sụt giảm> Ảnh: Thanh Giang.

Hơn 8 năm làm việc tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), chị Nguyễn Thị Loan cho biết hiện đang gặp khó khăn. “Giảm giờ làm, kéo theo năng suất công việc cũng ít đi khiến hơn nửa năm nay tôi phải tiết giảm nhiều khoản chi tiêu” - chị Loan nói.

Bí quá mới phải về quê

Theo Chị Loan, do khan hiếm đơn hàng, hiện các công ty đều áp dụng hình thức làm đủ 48 giờ/tuần và không còn tăng ca như trước. Thậm chí, trước đó, nhiều doanh nghiệp (DN) cho công nhân được nghỉ luân phiên hay duy trì một tuần với 4 ngày làm việc. Một số công ty có lượng công nhân lớn cũng phải cắt giảm số lao động.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, tỉnh có 3 DN cắt lao động do đơn hàng giảm, gồm: Công ty TNHH Pousung Việt Nam giảm 1.000 lao động; Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam gần 230 lao động và Công ty TNHH Taekwang MTC Vina vừa cắt giảm 800 lao động.

Chị Trần Thị Dung - công nhân Công ty TNHH BL Leather Bank (quận Gò Vấp, TPHCM) cho hay, thời gian qua công ty đã giảm giờ làm, thu nhập của công nhân giảm trong khi các khoản chi tiêu lại tăng. “Nếu khó khăn kéo dài, vợ chồng tôi tính chuyện về quê (Đắk Lắk) tìm đỡ việc gì kiếm sống” - chị Dung nói.

Ý định rời phố về quê không chỉ riêng chị Dung, hiện nhiều công nhân cũng có suy nghĩ này. Thông tin về tình hình lao động trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, Sở đã thực hiện khảo sát tại 3.917 DN, ghi nhận tỉ lệ DN có giảm lao động chiếm 31% (số lao động giảm là hơn 19.500 người), trong khi số DN có tăng lao động chiếm 18% với hơn 5.200 lao động.

Còn theo ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (Huba), có 41,2% số DN cho biết gặp khó khăn do thị trường thu hẹp; 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 17,6% thiếu vốn kinh doanh…

Thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, một năm qua, tỉnh có khoảng gần 30.000 lao động tạm ngưng hợp đồng. Đối với lao động bị giảm giờ làm, ghi nhận có trên 250.000 người.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm thêm việc làm cho người lao động.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm thêm việc làm cho người lao động.

Nhiều chính sách “giữ chân” công nhân

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội công bố giữa tháng 3, trong số 1.200 người lao động (NLĐ) đang làm việc tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương, có 83,3% đang làm việc và 16,7% đã trở về quê để làm việc gần nhà. Trong số 1.000 người đang đi làm xa quê thì có 15,5% người chắc chắn trong thời gian tới sẽ về quê làm việc lâu dài, 44,6% người không chắc chắn và 39,9% người không có dự định trở về quê làm việc.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM chia sẻ: “Ưu tiên số một vẫn là giữ chân lao động. Tiến hành tìm kiếm những đơn hàng nhỏ lẻ hoặc giảm giờ làm, giảm ngày làm để duy trì sản xuất liên tục. Có thể giảm thu nhập còn hơn không có việc. Trong giai đoạn này, chủ DN và NLĐ cùng chia sẻ để chờ thời cơ”. Theo khảo sát của Huba, có 64,7% DN cam kết giữ nguyên số lao động hiện có; 17,65% DN có xu hướng cắt giảm lao động. Số đông DN tin tưởng vào chính sách của nhà nước tác động tốt cho hoạt động kinh doanh của DN.

Ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, vận động DN trên địa bàn cố gắng giữ việc cho NLĐ. Tỉnh cũng ban hành quyết định hỗ trợ NLĐ bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức 1,5 triệu đồng/người.

Còn ông Trịnh Đức Tài - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, trước mắt với những lao động phải nghỉ việc, sẽ chi trả bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ kịp thời để họ trang trải cuộc sống. Ngoài ra, tỉnh có nhiều hình thức hỗ trợ nhằm níu chân công nhân. Vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trích 40 tỷ đồng; kiến nghị UBND tỉnh trích kinh phí hỗ trợ thêm 25 tỷ đồng để chăm lo cho NLĐ.

Vừa đảm bảo giữ chân lao động, vừa mong muốn tạo việc làm mới nếu lao động các tỉnh dịch chuyển mạnh, bà Lê Thị Kiều Phượng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, nếu NLĐ có nhu cầu về làm việc ở quê, trung tâm sẽ kết nối với các tỉnh để giới thiệu việc làm. Đối với lao động muốn tiếp tục làm việc ở thành phố sẽ kết nối với các DN trong cùng lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng. Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã tổ chức 25 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn giới thiệu việc làm cho 41.163 lượt người; tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp để chuyển đổi việc làm. Trong quý 2, thành phố dự kiến sẽ tổ chức gần 50 phiên, sàn giao dịch việc làm.

Tuy nhiên, trước việc một số công nhân rời phố về quê tìm việc mới, ông Trần Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa khu vực phía Nam cho rằng, cùng với giải pháp trước mắt thì cần có giải pháp dài hơi. Theo ông Thắng, trước mắt DN cần tổ chức sản xuất luân phiên, đặc biệt công nhân có tay nghề cần có chính sách hỗ trợ để giữ chân. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần xem rõ những ngành nghề nào đang bị tác động, ngành nào có nhu cầu tuyển dụng để điều phối thị trường. Đồng thời, cần đào tạo nghề, nâng cao trình độ để chuyển việc hiệu quả hơn. Các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu phải thể hiện tính chuyên nghiệp. Cuối cùng, giảm thuế, giảm lãi suất để DN có thể cầm cự sản xuất, chờ thời cơ khi kinh tế phục hồi.

Trước khó khăn hiện tại, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan cần hỗ trợ người lao động mất việc, ngừng việc. Trong đó, phải quan tâm giới thiệu việc làm nhưng cũng phải tập trung đào tạo nghề chất lượng cao. “Chúng ta phải biến nguy thành cơ. Dịp này là lúc chúng ta chuyển đổi nghề bằng cách hỗ trợ đào tạo nghề chất lượng cao cho người lao động. Việc chuyển đổi này mang tính bền vững” - ông Mãi nhấn mạnh.

T.Giang-Q.Định-M.Thìn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tao-viec-lam-de-giu-chan-nguoi-lao-dong-5715079.html