Táo xanh - hương vị nắng gió vươn xa
Vùng đất Tuy Phong, nơi nắng gió hòa quyện vào từng tấc đất, đã cho ra đời những trái táo xanh giòn ngọt, tròn vị đặc trưng rất riêng. Câu chuyện về những vườn táo trĩu trái không chỉ là hương vị ngọt lành của thiên nhiên ưu đãi mà còn chứa đựng mồ hôi, nỗ lực thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với chế biến sâu...
Hướng đến sản xuất táo hữu cơ
Trong cái nắng vàng rực những ngày cuối năm, những nhà lưới, nhà màng kiên cố trồng táo như những dải lụa trắng chạy dài hai bên đường, tạo nên một nét đặc trưng riêng của sản xuất nông nghiệp nơi đây. Dừng chân tại vườn táo của chị Đặng Thị Khánh ở thôn 2, xã Phong Phú, chúng tôi bị cuốn hút bởi những cây táo khỏe mạnh, lúc lỉu trái trong nhà lưới được che chắn khá bài bản. Đôi tay thoăn thoắt, chị nhẹ nhàng hái từng trái táo, đặt cẩn thận vào giỏ. “Táo thu hoạch 2 lứa trái mỗi năm, vào tháng 5 và tháng 11 – 12. Đợt này táo đang mùa rộ, giá thấp hơn một chút, nhưng chúng tôi vẫn chăm chỉ vì hy vọng vụ sau sẽ trúng hơn”, chị Khánh nói với ánh mắt đầy hy vọng. Chị Khánh kể thêm, vườn táo này được 5 năm tuổi, năm 2022 gia đình vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nhà lưới để cải thiện năng suất và chất lượng cây táo. Nhờ bao trái kỹ lưỡng, dùng phân hữu cơ, thuốc sinh học, táo giờ đây chất lượng vượt trội.
Táo xanh được xem là cây trồng lợi thế của huyện Tuy Phong, trong đó chủ lực ở xã Phong Phú. Hiện nay, diện tích táo trên địa bàn xã đã đạt đến 100 ha với gần 300 hộ dân canh tác, mang lại nguồn thu đáng kể cho kinh tế nông hộ. Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Phong Phú đã tiên phong thay đổi phương thức canh tác.
Anh Lâm Trần Thanh Sang - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phong Phú kể về sự vượt khó của nông dân trong thay đổi tư duy sản xuất, không ngại khó tìm tòi học hỏi áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào canh tác cây táo. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình: “Thâm canh táo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP” cho các thành viên của HTX. Đến cuối năm 2023, toàn bộ 18 ha táo trong mô hình đã được chứng nhận VietGAP. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển bền vững cây táo Tuy Phong. Theo định hướng của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao, minh bạch sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc gắn kết sản xuất táo với mô hình khuyến nông cộng đồng sẽ gia tăng hiệu quả kinh tế và tạo sự kết nối bền vững giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ và đạt chứng nhận VietGAP đã mang lại nhiều lợi ích. Phương pháp bao bọc trái táo bằng màng che để phòng sâu bệnh, kết hợp sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học, giúp cây sinh trưởng khỏe, trái táo đạt chất lượng cao. Song song, HTX đã đầu tư chuyển đổi số trong sản xuất như ghi nhật ký điện tử, quét mã QR Code và tham gia các sàn thương mại điện tử. Từ vườn táo, những chiếc xe tải chở táo rời vườn, chuẩn bị cho chuyến hàng mới.
Ông Sang chia sẻ: “Đầu năm 2024, sản phẩm táo xanh đầu tiên của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm. Táo xanh được công nhận OCOP 3 sao, không chỉ nâng giá trị sản phẩm, tăng độ uy tín của sản phẩm trên thị trường mà còn giúp HTX mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Nỗ lực để mở rộng thị trường, tăng giá trị sản phẩm
Sau khi được chứng nhận sao OCOP, sản phẩm táo xanh Tuy Phong không chỉ được trưng bày tại các sự kiện xúc tiến thương mại mà còn dần khẳng định vị trí trên thị trường khi được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, HTX đang đối mặt với khó khăn trong vấn đề bảo quản. Táo tươi lại khó giữ được chất lượng khi vận chuyển xa, nhất là trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. “Việc tiếp cận các đơn vị tiêu thụ lớn gặp khó khăn, nhất là khi ký kết hợp đồng cần sản lượng ổn định, nhưng năng suất táo xanh lại phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ và thời tiết. Chẳng hạn, thời điểm hiện tại, sản lượng thì dồi dào nhưng đầu ra hạn chế do đụng mùa thu hoạch táo rộ và nhiều loại trái cây khác. Ngược lại, lúc nhu cầu tiêu thụ cao thì sản phẩm lại khan hiếm” - ông Sang cho hay.
Trước những thách thức này, HTX đã chủ động nghiên cứu phát triển sản phẩm táo xanh sấy dẻo nhằm kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, HTX đẩy mạnh liên kết với nông dân để điều chỉnh mùa vụ, đảm bảo nguồn cung đều đặn, từ đó dễ dàng đáp ứng yêu cầu hợp đồng với các đối tác thu mua lớn. Theo kế hoạch, sản phẩm táo sấy dẻo dự kiến sẽ được công nhận OCOP 3 sao vào cuối năm 2024.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phong, hiện tại huyện đã có 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, bao gồm: Gạo Sông Lòng Sông, táo xanh Phong Phú, nho hồng Nhật, 2 sản phẩm rượu vang thanh long Pitayana và nước mắm Hoàng Gia. Trong tháng 12/2024, huyện dự kiến phân hạng thêm 2 sản phẩm là táo xanh sấy dẻo của HTX và chả quế, chả lụa của hộ kinh doanh Huỳnh Thiện Cẩm Hồng, xã Bình Thạnh nâng tổng số lên 8 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Việc gắn sao OCOP không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong xây dựng thương hiệu nông sản Tuy Phong mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Cắn thử một trái táo vừa được hái từ vườn vị ngọt thanh, giòn rụm hòa quyện với cái nắng gió mặn mòi của Tuy Phong. Cái ngọt ấy không chỉ là của trái cây, mà còn là thành quả của những giọt mồ hôi, sự cần cù và tinh thần đổi mới của người dân nơi đây với ước mong một ngày trái táo Tuy Phong vươn xa ra thị trường lớn, khẳng định thương hiệu.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tao-xanh-huong-vi-nang-gio-vuon-xa-126831.html