Tập 1 'Thiếu Niên Nói 2020': Cô bạn đánh mất sự tự tin chỉ vì danh hiệu 'Thủ khoa'
Mới đây, xuất hiện trong tập phát sóng đầu tiên của chương trình 'Thiếu Niên Nói 2020', Đan Quỳnh (lớp 11, THPT Gia Định) lần đầu tiên đứng trên bục dũng khí, giải bày với các phụ huynh, thầy cô, các bạn học sinh toàn trường về những áp lực khi phải mang danh 'Thủ khoa' suốt thời gian qua.
Bất kỳ ai khi nghe đến 2 từ “Thủ khoa” cũng mang trong lòng ít nhiều sự ngưỡng mộ, bên cạnh đó, chúng ta cũng luôn áp đặt Thủ khoa phải là người giỏi giang mọi mặt, là người luôn phải giữ phong độ với những thành tích đáng gờm. Thế nhưng, đâu ai biết rằng, chính những suy nghĩ ấy vô tình đặt nặng lên các Thủ khoa những áp lực khó lòng giải bày.
Cô bạn Thủ khoa Nguyễn Vũ Đan Quỳnh (lớp 11D1, trường THPT Gia Định) cũng rơi vào tình trạng ấy. Mới đây, xuất hiện trong tập phát sóng đầu tiên của chương trình “Thiếu Niên Nói 2020”, Đan Quỳnh lần đầu tiên đứng trên bục dũng khí, giải bày với các phụ huynh, thầy cô, các bạn học sinh toàn trường về những áp lực khi phải mang danh “Thủ khoa” suốt thời gian qua.
Trên bục dũng khí, Đan Quỳnh đặt câu hỏi “Mọi người định nghĩa thế nào về Thủ Khoa?” khiến nhiều người phải suy ngẫm.
“Thủ khoa là niềm kiêu hãnh, làm gì cũng giỏi, đứng trên mọi người, luôn tỏa sáng, đứng trên đỉnh vinh quang”, Đan Quỳnh nói.
Theo Quỳnh chia sẻ, trong đợt tuyển sinh từ lớp 9 lên lớp 10, Quỳnh may mắn đạt điểm cao nhất thành phố nên khi bước vào THPT Gia Định, mọi người hay gọi Quỳnh với danh hiệu Thủ khoa.
Cũng theo Quỳnh, việc cô bạn trở thành Thủ khoa vừa được ba mẹ các bạn khác xem là “con nhà người ta” trong truyền thuyết, vừa được bạn bè đồng trang lứa ngưỡng mộ.
“Mình rất vui khi những nỗ lực của mình đã được mọi người nhìn thấy và công nhận nhưng khi mình đến 2 tiếng Thủ khoa mình gặp áp lực vô hình mà không biết giải bày với ai. Mỗi khi đứng trước kỳ thi lớn, mình không còn đam mê hay sự tự tin, thay vào đó là nỗi sợ hãi: “Lỡ thất bại thì sao?”. Mình quá mệt mỏi với những kỳ vọng của mọi người“, Cô bạn bật khóc.
Qua đó, Đan Quỳnh muốn mọi người nhìn nhận mình như một học sinh bình thường để mỗi khi bước đến với các cuộc thi, Quỳnh có thể xem đó là một sân chơi để học hỏi nhiều hơn là một cuộc thi với những giải thưởng đè nặng.
“Qua câu chuyện này, hôm nay em đứng ở đây, em muốn khẳng định, em là Nguyễn Vũ Đan Quỳnh, học sinh lớp 11D1, trường THPT Gia Định chứ không phải là một Thủ khoa nào”, cô bạn khẳng định.
Cũng trong chương trình lần này, Đan Quỳnh có vài lời gửi đến ba của Quỳnh. Theo Quỳnh, ba là người lắng nghe, chia sẻ mọi nỗi niềm của Quỳnh. Cũng chính ba là động lực để Quỳnh vươn lên trong học tập và cuộc sống này.
“Con muốn gửi đến ba lời cảm ơn sâu sắc và con tự hào về ba”, Đan Quỳnh đứng trên bục dũng khí nói khi hướng mắt về ba của mình.
Qua câu chuyện của Đan Quỳnh, có lẽ, rất nhiều thế hệ Thủ khoa được nói lên nỗi lòng, nỗi ấm ức khi được mang danh hiệu này. Đạt Thủ khoa ai cũng vui, ai cũng tự hào nhưng đừng biến niềm vui ấy thành áp lực, thành gánh nặng thành tích. Để làm được điều này, mỗi bậc phụ huynh đừng quá khắt khe với con em mình; các thầy cô nên động viên để học trò phát huy thành tích thay vì áp đặt; những người bạn của các cô cậu Thủ khoa hãy có cái nhìn cởi mở hơn thay vì ngưỡng mộ thái quá để mối quan hệ bạn bè được tốt đẹp và cân bằng.