Tạp chí Mỹ cảnh báo rủi ro nếu phương Tây cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine
Việc phương Tây cân nhắc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Báo Nga Sputnik ngày 21/5 dẫn nguồn tin từ tạp chí quân sự Mỹ Military Watch cho biết, chiến đấu cơ đa năng thế hệ 4 của Mỹ có nguy cơ bị tổn hại danh tiếng nếu bị Nga phá hủy trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Tại hội nghị G7 diễn ra gần đây ở Nhật Bản, ông Biden đã đồng ý để các quốc gia châu Âu như Hà Lan hay Na Uy gửi các chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.
“Không chỉ có khả năng chiến đấu cơ F-16 hay công nghệ máy bay Mỹ có thể rơi vào tay Nga mà những chiếc F-16 được gửi tới Ukraine có thể bị phá hủy ngay ở sân bay hoặc trong một cuộc không chiến. Đây là đòn giáng mạnh vào danh tiếng của mẫu máy bay do Mỹ sản xuất", tạp chí Military Watch nhận định.
"Chiếc F-16 không chỉ là xương sống của lực lượng không quân Mỹ mà còn là một sản phẩm xuất khẩu mang về lợi ích lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ", tạp chí Military Watch cho biết thêm.
Theo tạp chí Mỹ, những chiếc F-16 dù được nâng cấp các trang thiết bị mới nhất nhưng vẫn chỉ là chiến đấu cơ thế hệ 4, không có năng lực tàng hình và thiếu khả năng không chiến với các mẫu tiêm kích hàng đầu của Nga như Su-35, MiG-31 hay Su-57.
Nếu được chuyển tới Ukraine, những chiếc F-16 cũng đối mặt nguy cơ bị tên lửa đối không tầm xa của Nga bắn rơi.
Tạp chí Mỹ nhắc lại việc một hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất bị hư hại trong cuộc tập kích của Nga ở Kiev bằng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal. Điều đó chứng minh các vũ khí Mỹ và đồng minh cung cấp cho Ukraine không dễ dàng làm thay đổi cục diện xung đột.
Phương Tây cũng không thể cung cấp cho Ukraine các phiên bản chiến đấu cơ F-16 hiện đại nhất vì vấn đề chi phí. Phiên bản F-16 Block 70/72 được coi là tương đương các chiến đấu cơ hiện đại của Nga, nhưng chúng có giá lên tới 120 triệu USD/chiếc, quá đắt đỏ để được cung cấp cho Kiev.
Hãng Lockheed Martin cũng ưu tiên cung cấp các chiến đấu cơ F-16 mới xuất xưởng cho các đối tác ở châu Á hay Trung Đông hơn.
Nhìn chung, tạp chí Military Watch đưa ra quan điểm tương tự như nhận định của John Venable, cựu phi công quân sự Mỹ, rằng những chiếc F-16 "không phù hợp để chiến đấu ở môi trường rủi ro cao như ở Ukraine", trước các thách thức đến từ mạng lưới phòng không dày đặc của Nga, đặc biệt là tên lửa S-400, theo Sputnik.
Hôm 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo phương Tây "chuốc lấy rủi ro" nếu chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine. Nga "đã tính đến điều này trong tất cả kế hoạch" và "có tất cả biện pháp cần thiết để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra", ông Grushko nói, theo hãng thông tấn Nga TASS.