Tập đoàn Australis cam kết đầu tư 100 triệu USD mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Australis Việt Nam hiện là nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá chẽm lớn nhất thế giới và đang thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản thông minh tại khu vực Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Tập đoàn nuôi trồng thủy sản Australis của Mỹ đã cam kết bổ sung 100 triệu USD để mở rộng nuôi trồng bền vững “cá hồi nhiệt đới” tại Việt Nam.
Cam kết này được công bố trong thông báo báo chí của Nhà Trắng nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam ngày 10-11/9 vừa qua, cùng với những thông điệp thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ doanh nghiệp hai nước, đặc biệt ưu tiên những hoạt động đổi mới thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công ty Thủy sản Australis Việt Nam (Australis Việt Nam) thuộc Tập đoàn Australis là doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản có vốn đầu tư 100% của Mỹ, hiện là nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá chẽm (cá vược) lớn nhất thế giới với sản lượng năm 2022 đạt 10.000 tấn và đang thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản thông minh tại khu vực Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Australis Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI hiện diện sớm nhất tại Khu Kinh tế Vân Phong (VPEZ). Sau hơn 15 năm, Australis đã đầu tư khoảng 200 triệu USD để đưa công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến nhất thế giới vào thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và loài đặc thù bản địa của Việt Nam. Công nghệ này đã được chứng minh hiệu quả đối với ngành cá hồi tại Nauy.
Cá chẽm (Lates calcarifer) là đối tượng được lựa chọn nhờ cho hiệu quả dinh dưỡng, kinh tế cao trong khi quá trình nuôi dưỡng để lại rất ít tác động lên môi trường. Tiềm năng đó hoàn toàn có thể cạnh tranh với cá hồi, vì thế cá chẽm đôi khi còn được gọi là “cá hồi nhiệt đới”.
Biến đổi khí hậu cùng với tình trạng khai thác quá mức (khiến nguồn lợi cá tự nhiên ngày càng sụt giảm) đang tạo ra áp lực rất lớn đối với hệ thống cung cấp thực phẩm toàn cầu. Để góp phần giải quyết thách thức đó, Australis đã giành nhiều năm và tâm huyết để phát triển một mô hình nuôi trồng thủy sản đại dương thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng thực phẩm, mang lại lợi ích hài hòa cho người lao động, các cộng đồng ven biển, bảo vệ môi trường và tính đa dạng sinh học.
“Tầm nhìn của chúng tôi được lấy cảm hứng
từ cam kết sâu sắc về tính bền vững,
đa dạng sinh học và công bằng xã hội.
Chúng tôi làm việc để định hình lại
hệ thống thực phẩm cho con người
và hành tinh tốt hơn”.
Ông Josh Goldman
Nhà sáng lập kiêm CEO Australis Việt Nam
Trao đổi với Mekong – ASEAN, nhà sáng lập kiêm CEO của Australis Josh Goldman cho biết: “Cá chẽm là sản phẩm của mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững mới. Chúng tôi đã dành hơn một thập kỷ để phát triển hoạt động nuôi trồng đại dương thông minh với khí hậu ở vùng biển nhiệt đới để nuôi những loài cá tốt nhất có thể tưởng tượng được theo cách có trách nhiệm nhất có thể”.
Giành hơn 3 năm để khảo sát tại nhiều nước châu Á đối với gần 30 loài cá, cuối cùng Australis đã chọn Việt Nam và cụ thể là Khánh Hòa bởi điều kiện tự nhiên ở đây rất tốt. Ông Goldman cho biết, vịnh Vân Phong sạch, kín gió, nước sâu, nhiệt độ và độ mặn ổn định là môi trường rất phù hợp cho cá chẽm phát triển.
Cũng theo nhận định của Tổng giám đốc Australis, người lao động Việt Nam cần cù, thông minh và có kỹ năng tốt. Ông đặc biệt đánh giá cao lao động Việt Nam vì họ có thể xử lý một con cá nhanh và khéo, chính xác hơn nhiều so với công nhân nước khác. Bên cạnh đó, những cơ sở nghiên cứu của Việt Nam cũng hỗ trợ tốt cho ngành nuôi trồng thủy sản.
Trong tầm nhìn phát triển mới, ông Goldman đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng, đó là đưa sản lượng cá chẽm lên mức 50.000 tấn/năm.
Tháng 3/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sau nhiều cuộc khảo sát và đánh giá, đã ký một thỏa thuận đầu tư vào danh mục trái phiếu chuyển đổi trị giá 15 triệu USD để giúp Australis mở rộng quy mô và hiện thực hóa tầm nhìn trên.
Ngoài ra, một khoản tài trợ khác trị giá 3 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới Khí hậu (CIDF) cũng sẽ được phân bổ cho Australis, do ADB thực hiện và quản lý. Số tiền đó sẽ được dùng để thúc đẩy dự án Greener Grazing nhằm phát triển công nghệ nuôi trồng và thương mại hóa sản phẩm rong đỏ Asparagopsis taxiformis (AT).
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh AT có thể sẽ trở thành một giải pháp mang tính bước ngoặt cho vấn đề khí thải nhà kính trong ngành chăn nuôi khi giúp cắt giảm tới 80% lượng methane phát sinh từ hoạt động tiêu hóa thức ăn ở bò thịt và bò sữa.
Bên cạnh đó, việc trồng rong biển còn có khả năng giúp làm chậm tiến trình acid hóa đại dương, tái tạo và tăng cường tính bền vững của các hệ sinh thái biển, đồng thời hấp thụ một lượng carbon rất lớn.
Chính nhờ những thành tựu đó mà vào tháng 12/2021, Australis đã vinh dự được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trao Giải thưởng giành cho Doanh nghiệp xuất sắc trong hạng mục đổi mới để thích ứng với biến đổi khí hậu.