Khoảng 300 máy bay do Tập đoàn Boeing sản xuất tồn tại lỗi kỹ thuật nghiêm trọng, có thể dẫn đến một vụ nổ giữa không trung, ấn phẩm Daily Mail cho biết.
"Ước tính có tới 300 máy bay Boeing đang được hãng hàng không United Airlines và American Airlines sử dụng tồn tại sai sót nghiêm trọng, có thể khiến máy bay phát nổ giữa không trung", tờ báo Anh nói rõ.
Nhà sản xuất máy bay đã được cảnh báo về “sự phóng tĩnh điện”, cụ thể là nguy cơ tĩnh điện gần thùng nhiên liệu ở cánh giữa, xuất hiện trên các dòng máy bay khác nhau, có thể dẫn đến “cháy bên trong” và phát nổ.
Mặc dù vậy, có vẻ tập đoàn chế tạo máy bay lớn nhất thế giới đã bỏ qua những tín hiệu cảnh báo nói trên, bất chấp những tuyên bố công khai của các kỹ sư hay thậm chí cả nhân sự điều hành cấp cao.
"Tập đoàn Boeing không có văn hóa an toàn và không coi trọng ý kiến chuyên môn", ông Sam Salepour - cựu kỹ sư chất lượng của Boeing phát biểu tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ.
Theo kỹ sư Salepour, bản thân ông đã chứng kiến cách các nhân viên Boeing sử dụng nhiều phương pháp không chính xác và chưa được kiểm chứng để căn chỉnh các bộ phận trên mẫu máy bay Boeing 777.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông đã tính toán số tiền mà Tập đoàn Boeing có thể phải trả để khắc phục những vấn đề đã xác định vào khoảng 698 nghìn đô la.
Con số trên mặc dù tương đối nhỏ và có thể khắc phục nhanh chóng, tuy nhiên điều này đã dẫn tới tai tiếng lớn cho Tập đoàn Boeing, đặc biệt là sau nhiều sự cố xảy ra với dòng B-737 trong thời gian gần đây.
Vấn đề nữa phải nhắc tới đó là lệnh trừng phạt chống Nga đang gây rắc rối lớn cho Tập đoàn Boeing, khi họ không thể đáp ứng kế hoạch sản xuất chiếc B-787 Dreamliner do thiếu các bộ phận quan trọng.
Duy trì lợi thế về công nghệ hàng không vũ trụ là điều cần thiết cho chiến lược địa chính trị của Mỹ, bởi trong Tập đoàn Boeing có cả thành phần quân sự lẫn thương mại.
Bằng cách duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ, Mỹ có thể giúp đỡ các đồng minh và hình thành những liên minh toàn cầu. Việc mất đi ngành công nghiệp hàng không sẽ đẩy Washington vào thế khó xử.
"Những biện pháp trừng phạt chống lại Nga đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với Tập đoàn Boeing nói riêng và ngành công nghiệp chiến lược quan trọng của Mỹ nói chung, cho thấy mâu thuẫn lớn trong các chính sách".
"Chương trình trừng phạt được thiết kế để hạn chế những nền kinh tế nước ngoài, tuy nhiên lệnh cấm vận nhằm vào Nga dường như đang cản trở chính nước Mỹ", tờ báo Anh nhận xét.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể không quan tâm đối với sự tàn phá ngành công nghiệp châu Âu do giá năng lượng cao từ những lệnh trừng phạt chống Nga gây ra.
Nhưng hiện tại, họ lại đang phải chứng kiến tập đoàn kinh tế và ngành công nghiệp quan trọng của chính mình bị đe dọa, đây là điều nằm ngoài dự kiến ban đầu.
Trong thời gian tới, dự báo Mỹ sẽ phải điều chỉnh lại một số chính sách trừng phạt của mình để hạn chế tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp chiến lược chủ đạo.