Tập đoàn Cao su (GVR) có thể nhận tối thiểu 361 tỷ đồng tiền cổ tức từ Cao su Phước Hòa (PHR)
PHR dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ không thấp hơn 40%, tương ứng tối thiểu mỗi cổ phiếu nhận được 4.000 đồng.
Hiện PHR đang có hơn 135 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính số tiền tối thiểu chi trả cổ tức là 540 tỷ đồng.
Trong cơ cấu cổ đông của CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán PHR), cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt nam (mã chứng khoán GVR) đang sở hữu 90,264 triệu cổ phiếu, tương ứng 66,2% vốn. Với tỷ lệ cổ tức như trên, ước tính, GVR có thể nhận về tối thiểu 361 tỷ đồng tiền mặt từ cổ tức PHR.
Ngoài ra, quỹ VOF Invesment Limited do Vinacapital quản lý cũng đang sở hữu 6,67 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,92% vốn. Với tỷ lệ này, VOF có thể nhận về tối thiểu 26,68 tỷ đồng.
Các năm trước, PHR chi trả cổ tức cao nhất là 30%.
Năm 2021, PHR đặt kế hoạch sản lượng cao su khai thác đạt 20.900 tấn, sản lượng cao su thu mua đạt 23.400 tấn và sản lượng cao su tiêu thụ đạt 33.999 tấn. Giá bán thành phẩm cao su bình quân là 34 triệu đồng/tấn. Theo đó, doanh thu mục tiêu 1.921 tỷ đồng và 751 tỷ đồng lãi trước thuế Công ty mẹ.
PHR dự báo, 2021 là một năm khó khăn đối với hoạt động khai thác mủ sao su, khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Từ năm 2021 trở đi, dự án tái canh trồng cây cao su không được miễn thuê đất trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản.
Bên cạnh đó, vườn cây già phải tiếp tục thanh lý, tình trạng thiếu lao động, thời tiết diễn biến thất thường, bệnh hại trên vườn cây khai thác sẽ là những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác, doanh thu và lợi nhuận của Công ty.
Trong năm 2020, lợi nhuận PHR ghi nhận 1.082 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2019. EPS tăng mạnh từ 2.536 lên 7.711 đồng. Kết quả này đóng góp chủ yếu từ lợi nhuận khác tăng mạnh lên gần 935 tỷ đồng - đến từ khoản thu tiền bồi thường thực hiện dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2.