Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 'Khai sinh' doanh nghiệp để phát triển năng lượng tái tạo
Công ty CP Năng lượng tái tạo điện lực dầu khí vừa chính thức ra đời để thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực điện của Tập đoàn này đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, với mục tiêu sản sinh cho lưới điện quốc gia 900MW.
Chủ động xúc tiến đầu tư, thực hiện các dự án
Thị trường năng lượng tái tạo đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm, khuyến khích phát triển và tạo hành lang pháp lý với nhiều cơ chế ưu đãi. Đặc biệt, khi Nghị quyết 55 – NQ/TW ngày 12/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị được ban hành, nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là bước đột phát đối với sự phát triển của năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Bắt kịp xu thế đó, PVN đang tích cực đầu tư, phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Đại diện PVN cho biết, chiến lược phát triển lĩnh vực điện của PVN đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. PVN đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2025 đạt công suất khoảng 100MW và đến năm 2035 đạt 900MW.
Theo PVN, thực hiện chiến lược đó, ngày 8/4/2020 đơn vị này có Nghị quyết số 1654/NQ-DKVN, chấp thuận chủ trương thành lập mới Công ty CP Năng lượng tái tạo điện lực dầu khí (PV Power REC). Việc thành lập pháp nhân độc lập sẽ giúp PVN chủ động trong hoạt động giao dịch, xúc tiến đầu tư và thực hiện đầu tư dự án năng lượng tái tạo.
Theo PVN, trước mắt đơn vị sẽ nghiên cứu triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời tại lòng hồ Thủy điện Hủa Na, Đakđrink; lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái đối với các nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2… hoặc các nhà máy đạm.
Theo tính toán của PVN, giai đoạn sau, PVN có thể phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư trong nước và đối tác nước ngoài trong việc thu xếp nguồn vốn, hợp tác triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên toàn quốc; bao gồm các dự án điện mặt trời, gió, điện sinh khối, điện địa nhiệt và điện rác.
Ngành Dầu khí với những lợi thế về kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt các công trình trên biển sẽ có khả năng đóng góp rất lớn cho các dự án điện gió ngoài khơi, góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.
Sẽ dừng phát triển thủy điện, điện than
Những khó khăn, thách thức mà PVN đang gặp phải khi phát triển năng lượng tái tạo cũng không phải là nhỏ. Theo đại diện Tập đoàn này, trong Chiến lược phát triển PVN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1749-QĐ/TTg ngày 14/10/2015, PVN sẽ phát triển thêm một số dự án điện khí; không phát triển thêm các dự án thủy điện, điện than, điện gió… Do đó, việc PVN đầu tư thêm các dự án năng lượng tái tạo cần được cấp có thẩm quyền cho phép.
PVN cho biết, trước yêu cầu cấp bách về phát triển năng lượng tái tạo của đất nước, sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, đơn vị sẽ đầu tư các dự án điện mặt trời, nhà máy điện sinh khối... Đặc biệt chú trọng các dự án điện mặt trời và các dự án sử dụng năng lượng sinh khối dồi dào tại Việt Nam. Nghiên cứu đầu tư các dự án điện mặt trời tận dụng mặt hồ thủy điện, các diện tích có thể lắp đặt các tấm pin mặt trời tại các nhà máy điện hiện hữu, bán lên lưới hoặc sử dụng cho tự dùng nhà máy điện.
Mặt khác, lựa chọn và sử dụng công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện với môi trường, công nghệ có độ tin cậy và an toàn cao, chú trọng xử lý chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam, tích cực tham gia cơ chế phát triển sạch. Trước mắt sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến cho các dự án đầu tư mới như các dự án năng lượng tái tạo.