Tập đoàn dầu lửa TQ rút khỏi dự án 5 tỷ đô, Iran chịu thêm đòn đau
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) vừa rút khỏi dự án khí đốt hàng đầu của Iran giữa lúc nước này đang oằn mình chịu cấm vận của Mỹ.
Bộ trưởng Dầu lửa Iran Bijan Namdar Zanganeh xác nhận với các phóng viên rằng, CNPC không còn giúp phát triển giai đoạn 11 của South Pars, mỏ khí lớn nhất thế giới hiện nay. Ông không công bố thông tin cụ thể khi nào, và lý do tập đoàn của Trung Quốc đưa ra quyết định mà chỉ nói CNPC "không còn tham gia vào dự án".
Tuy nhiên, theo giới phân tích, CNPC từ bỏ dự án là do cấm vận của Washington cùng các quan ngại về các lợi ích của họ ở Mỹ. Hiện chưa rõ CNPC đã đầu tư bao nhiêu tiền, nhưng ước tính tổng giá trị dự án khoảng 5 tỷ USD.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp trừng phạt lên Iran từ năm ngoái sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với các cường quốc năm 2015. Thời gian gần đây, Washington đẩy mạnh chính sách "áp lực tối đa" lên ngành năng lượng của Iran. Hồi tháng 8, Mỹ trừng phạt hai công ty con của Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc (COSCO) với cáo buộc giúp Iran xuất khẩu xăng dầu.
Quyết định của CNPC được phía Iran công bố giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang đấu một cuộc chiến thương mại khốc liệt, áp các mức thuế lên hàng trăm tỷ đôla hàng hóa của nhau. Các quan chức ở Bắc Kinh chưa có bình luận hay phản ứng gì. Các cuộc gọi tới CNPC không có người trả lời, trong khi trang web chính thức của tập đoàn không đề cập đến quyết định này.
Trong khi đó, ngày 6/10, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif than phiền về chiến dịch của Mỹ nhằm vào Tehran và tác động của nó đối với các khoản đầu tư nước ngoài.
"Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực đầu tư vì chính sách áp lực tối đa của Mỹ", hãng thông tấn Tasnim dẫn lời ông Zarif trình bày tại một ủy ban của quốc hội Iran. "Chúng tôi đang cố gắng gỡ bỏ các vấn đề này".
Nhà phân tích chính trị Saeed Leilaz ở Tehran đánh giá dù Trung Quốc từ bỏ dự án thì nước này "vẫn là đối tác thương mại chủ chốt của Iran".
Theo ông, phần lớn thu nhập từ dầu lửa của nước Cộng hòa Hồi giáo hiện vẫn ở "quốc gia tỷ dân", do vậy Tehran có thể mua những mặt hàng cần thiết từ Trung Quốc mà không cần phải thanh toán tiền, tránh được lệnh cấm vận của Mỹ đối với hệ thống ngân hàng Iran.
Iran hiện đang sở hữu mỏ khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới và là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới. Đa số khí đốt đến từ mỏ South Pars mà nước này cùng sở hữu với Qatar.
Kế hoạch ban đầu của South Pars bao gồm xây thêm 20 giếng và 2 giàn đầu giếng – cho phép khai thác khoảng 56,6 triệu m3 khí tự nhiên mỗi ngày.