Tập đoàn Đèo Cả: Viết tiếp những kỳ tích
Đục thông những con đèo hiểm trở, đảm bảo vận hành an toàn đường hầm, Tập đoàn Đèo Cả đã viết nên những kỳ tích của ngành giao thông Việt Nam.
Hầm Hải Vân 2 hoàn thành đã tạo nên kỳ tích của Việt Nam
Sứ mệnh lịch sử
Trong dịp Tết Tân Sửu này, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tổ chức cho các phương tiện lưu thông qua hầm Hải Vân 2 (từ ngày 20 tháng Chạp đến ngày 10 tháng Giêng). Vậy là sau hơn 3 năm khoét núi đào hầm, những người thợ Việt Nam đã tạo thêm một kỳ tích nữa trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Công ty cũng chuyên thi công xây lắp các công trình giao thông đường bộ gồm: hầm, cầu, đường. Dịch vụ trung chuyển xe máy và hành khách qua hầm đường bộ Hải Vân. Sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí, hệ thống an toàn giao thông.
Quay lại thời khắc lịch sử ngày 20/8/2000, khi Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải bấm nút phát lệnh khởi công hầm đường bộ qua đèo Hải Vân (nay là Hải Vân 1), sau 5 năm thi công, tuyến đường hầm Hải Vân hình thành, lúc đó được xem là kỳ tích của Việt Nam. Đúng 15 năm sau, thêm một kỳ tích nữa lại được ghi dấu dưới chân núi Hải Vân - thiên hạ đệ nhất hùng quan, khi hầm Hải Vân 2 được Tập đoàn Đèo Cả hoàn thành vượt tiến độ đề ra.
Kỳ tích lần này đặc biệt hơn, khi công trình hoàn toàn do bàn tay, khối óc của những người thợ Việt Nam xây dựng, đánh dấu sự trưởng thành và làm chủ công nghệ đào hầm của doanh nghiệp nội. Nếu ở công trình hầm Hải Vân 1, các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc giữ vai trò chủ lực, phía Việt Nam tham gia với tư cách nhà thầu phụ, thì ở công trình hầm Hải Vân 2, bản lĩnh, dấu ấn Việt Nam được khẳng định.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, khi quyết định đầu tư Dự án hầm Hải Vân 2, Đèo Cả đã ý thức được tầm quan trọng to lớn, cũng như những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi xây dựng công trình.
“Tập đoàn Đèo Cả xác định đây là một sứ mệnh lịch sử, một trọng trách mang tính thách thức chưa từng thấy đối với Tập đoàn. Tư tưởng xuyên suốt và chi phối toàn bộ quá trình thực hiện dự án của Tập đoàn là làm không chỉ vì lợi nhuận, doanh thu, mà còn vì mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ đất nước, khẳng định năng lực, tầm vóc của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua tranh quốc tế”, ông Hoàng nói.
Thực tế cho thấy, hầm Hải Vân 2 là công trình khó khăn bậc nhất về mặt kỹ thuật và giải pháp công nghệ. Trong quá trình xây dựng, nhà đầu tư phải xử lý các khâu kỹ thuật rất phức tạp, chưa kể vừa thi công hầm Hải Vân 2, vừa phải đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông cho hầm Hải Vân 1.
Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành Dự án hầm Hải Vân 2 chỉ sau hơn 3 năm thi công. Nên nhớ, một nhà thầu đào hầm hàng đầu của Nhật Bản phải mất 5 năm mới hoàn thành đào hầm Hải Vân 1.
“Khát vọng cháy bỏng của Tập đoàn Đèo Cả là đục thông các ngọn đèo hiểm trở ở Trung Bộ đã thành hiện thực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Qua việc hoàn thành hầm Hải Vân 2, chúng tôi một lần nữa khẳng định đã làm chủ và sáng tạo công nghệ đào hầm tiên tiến của thế giới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành những lời khen ngợi động viên cán bộ, công nhân viên của Đèo Cả”, ông Hoàng tự hào.
Trong lễ khánh thành hầm Hải Vân 2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc giao Tập đoàn Đèo Cả đầu tư Dự án BOT hầm Đèo Cả chính là ghi nhận sự tiến bộ, vươn lên của doanh nghiệp Việt.
“Công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng cao, đánh dấu sự vươn lên làm chủ những công nghệ phức tạp nhất trong thi công cầu đường. Đây thực sự là tin vui lớn của ngành giao thông - vận tải, là món quà chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có đóng góp rất lớn của cán bộ, kỹ sư Tập đoàn Đèo Cả. Điều này khẳng định, Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị số 1 tại Việt Nam trong việc đầu tư, quản lý những dự án hạ tầng giao thông lớn của đất nước”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Khát vọng đục thông những đường đèo hiểm trở ở miền Trung của Tập đoàn Đèo Cả đã được thực hiện
Rộn ràng những chuyến xe qua
Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành sứ mệnh hóa giải những cung đèo hiểm trở tại miền Trung gồm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2, thông suốt con đường thiên lý Bắc - Nam.
Mỗi đường hầm được hoàn thành đã mở toang cánh cửa phát triển. Nếu như hai hầm đường bộ Đèo Cả và hầm Cù Mông đã phá thế “ốc đảo” của tỉnh Phú Yên, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh này, thì việc đưa Hầm Hải Vân 2 vào hoạt động có ý nghĩa to lớn hơn nữa. Đường hầm sẽ góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng của khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung, đảm bảo kết nối đồng bộ, tạo phát triển cho các khu vực xung quanh, đặc biệt là Tây Nguyên.
Trong dịp Tết Tân Sửu này, những chuyến xe sẽ tấp nập lưu thông qua hầm Hải Vân 2. Việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho những chuyến xe là nhiệm vụ của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (một đơn vị thuộc Tập đoàn Đèo Cả).
Không chỉ là doanh nghiệp số 1 về thi công đường hầm, Tập đoàn Đèo Cả còn là đơn vị quản lý, vận hành hầm đường bộ tốt nhất Việt Nam hiện nay. Ông Võ Ngọc Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả chia sẻ, hầm đường bộ có những đặc thù rất khác biệt, nên quản lý, vận hành cũng phải được thực hiện rất đặc biệt.
“Việc giám sát hầm đường bộ được thực hiện 24/24 giờ. Chúng tôi áp dụng những công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất để vận hành, quản lý các đường hầm. Đơn vị cũng đã tiến hành diễn tập xử lý tất cả các tình huống nếu có xảy ra trong đường hầm, từ cháy nổ, tai nạn, hay những sự cố bất ngờ khác. Mục tiêu là đảm bảo vận hành an toàn, bởi nếu để xảy ra sự cố, sẽ khiến toàn tuyến bị ngưng trệ”, ông Trung chia sẻ.
Cũng theo ông Trung, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn các phương tiện không đảm bảo quy định tham gia giao thông qua hầm; phối hợp cùng cảnh sát giao thông khu vực để xử lý những trường hợp vi phạm. Việc các phương tiện không đúng quy định vẫn cố tình lưu thông qua hầm luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đòi hỏi đơn vị quản lý vận hành phải luôn chủ động trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, các phương tiện chở quá trọng tải chạy không đúng tốc độ quy định gây ùn tắc kéo dài, ô nhiễm, nên hệ thống thông gió, xử lý bụi phải hoạt động hết công suất, tiêu tốn điện năng, tần suất bảo trì hệ thống tăng lên; nguy cơ dẫn đến tai nạn, cháy nổ trong hầm là thách thức đối với lực lượng quản lý vận hành.
Công tác cứu hộ, cứu nạn và chữa cháy luôn được ưu tiên, kịp thời báo cáo cho các đơn vị liên quan khi có xe tai nạn, xe cháy xảy ra. Thực hiện đúng theo quy trình xử lý sự cố, cứu hộ, cứu nạn, phối hợp với các lực lượng chức năng hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Theo thống kê, từ năm 2017 đến năm 2020, Xí nghiệp quản lý vận hành hầm đường bộ Đèo Cả đã đảm bảo an toàn cho 6.787.000 lượt xe qua hầm, không để xảy ra vụ cháy nào trong hầm; cứu hộ, cứu nạn 8 vụ tai nạn trong hầm và 16 vụ tai nạn ngoài hầm; cứu hộ 517 phương tiện bị hỏng, dừng trong hầm.
Tại hầm Cù Mông, đã có hơn 1.913.000 lượt xe qua hầm an toàn; hầm Hải Vân từ năm 2005 đến tháng 1/2021 đã có hơn 34.091.000 lượt xe lưu thông an toàn qua hầm… Đó là những con số rất ấn tượng, bởi những địa danh Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân vốn là nỗi ám ảnh của cánh lái xe, thì giờ đây đã trở thành con đường bình yên và an toàn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những anh bộ đội Cụ Hồ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, làm nên chiến thắng của dân tộc, thì nay, những người thợ của Tập đoàn Đèo Cả, bằng ý chí, nghị lực, đã viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, chung sức đưa Việt Nam phát triển.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tap-doan-deo-ca-viet-tiep-nhung-ky-tich-d137885.html