Tập đoàn Điện lực quốc gia Hàn Quốc càng bán điện càng lỗ nặng
Tập đoàn Điện lực quốc gia Hàn Quốc (KEPCO) ngày 12/8 đã công bố khoản lỗ hoạt động hợp nhất trong nửa đầu năm nay hơn 14 nghìn tỷ won.
Con số này gấp 2,5 lần mức thâm hụt kỷ lục của năm 2021 và với tình hình hiện nay, tỉnh chung cả năm dự kiến thâm hụt có thể lên đến hơn 30 nghìn tỷ won.
Báo cáo của KEPCO cho biết trong tổng số lỗ 14.303,3 nghìn tỷ won, chỉ tính riêng trong quý II, công ty nay đã thâm thủng 6,51 nghìn tỷ won và thâm hụt trong 3 tháng đã vượt quá mức thâm hụt cả năm 2021 là 5,86 nghìn tỷ won.
Việc KEPCO lỗ nặng là hệ quả của nhiều yếu tố trong đó có việc giá nhiên liệu như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá và giá điện mà KEPCO mua từ các công ty phát điện tăng mạnh.
Trước tình trạng trên, KEPCO đã nhiều lần yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc cho phép điều chỉnh tăng giá điện để bù lỗ. Tuy nhiên, trong bối cảnh làm phát tăng cao hơn 6% trong những tháng qua, Chính phủ Hàn Quốc đang rất thận trọng với việc cho phép tăng giá điện nhằm giảm bớt gánh nặng sinh kế cho người dân. Đã có nhiều ý kiến chỉ ra rằng để tránh khả năng vỡ nợ của KEPCO, cần phải điều chỉnh giá điện thực tế phù hợp với chi phí sản xuất và cung cấp điện.
Do nhu cầu sử dụng điện trong mùa hè tăng cao và giá năng lượng vẫn ở mức cao, KEPCO dự kiến sẽ tiếp tục thâm hụt hàng nghìn tỷ USD trong nửa cuối năm nay.
Ông Yoo Seung-hoon, giáo sư về chính sách năng lượng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul cho biết trong bối cảnh giá nhiên liệu hóa lỏng tiếp tục ở mức cao, nếu nhu cầu sưởi ấm trong mùa Đông gia tăng, mức thâm hụt trong nửa cuối năm của KEPCO thậm chí có thể lớn hơn trong nửa đầu năm.
Các quan ngại đang gia tăng khi các khoản lỗ hoạt động của KEPCO tiếp tục tăng cao trong khi chính phủ tiếp tục kiềm chế giá điện bất chấp chi phí cung cấp điện đã tăng mạnh.Có một nghịch lý là KEPCO càng bán điện thì càng lỗ lớn.
KEPCO có cơ cấu kinh doanh mua điện từ các công ty phát điện và sau đó bán ra công chúng. Vấn đề là giá điện được giữ ở mức quá thấp nên xảy ra tình trạng giá mua cao hơn nhiều so với giá bán. Càng bán nhiều điện thì càng lỗ nặng.
Theo số liệu của KEPCO, doanh số bán hàng trong nửa đầu năm nay là 31,99 nghìn tỷ won, tăng 11,5% so với một năm trước. Phần lớn doanh thu bán hàng đến từ hóa đơn tiền điện. Trong khi đó chi phí hoạt động của tập đoàn tăng 60,3% lên 46,29 nghìn tỷ won. Điều này là do, khi chi phí nhiên liệu như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang tăng vọt, chi phí mua điện từ các công ty phát điện tư nhân đã tăng hơn gấp đôi so với năm trước.
Giá bán buôn điện (SMP) là tiêu chuẩn khi KEPCO mua điện từ các công ty phát điện hiện ở mức 169,3 won / KWh (kilowatt giờ) trong nửa đầu năm nay, cao hơn gấp đôi so với mức 78.0 won của năm 2021. Tuy nhiên, đơn giá bán điện của KEPCO chỉ là 110,4 won/KWh. Như vậy, KEPCO sẽ lỗ 58,9 won cho mỗi 1kWh điện bán ra.
Để giảm thiểu gánh nặng cho KEPCO, Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu công ty này thực hiện tái cơ cấu: bán các tài sản không cần thiết và giảm các chi phí khác như chi phí lao động. Tuy nhiên, các biện pháp này không đủ để giải quyết vấn đề cơ bản trong cân đối tài chính của KEPCO.
Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần xem xét điều chỉnh giá điện phù hợp với chi phí sản xuất và cung cấp điện thực tế. Trong quý 3, Chính phủ dã cho phép KEPCO đã tăng đơn giá điều chỉnh chi phí nhiên liệu, một phần của giá điện, lên 5 won, và vào tháng 10 cũng đã tăng chi phí nhiên liệu tiêu chuẩn thêm 4,9 won/kWh, song các biện pháp này là không đủ.
KEPCO đang đứng trong tình thế vô cùng khó khăn. Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang gần đây cho rằng với tình trạng lạm phát cao hiện tại, mức tăng giá điện nên được giảm thiểu vì sinh kế của người dân. Trong khi đó một quan chức của Bộ Kế hoạch và Tài chính cho biết chính phủ sẽ xem xét toàn diện các yếu tố thông qua tham vấn với các bộ.
Giới phân tích cho rằng cuối cùng khi thâm hụt của KEPCO vượt ngưỡng, Chính phủ Hàn Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc huy động tài chính để trả nợ hoặc phải tăng giá điện đáng kể. Trong khi giáo sư Jeon Young-hwan thuộc khoa Kỹ thuật điện và điện tử tại Đại học Hongik thì cho rằng giá điện nên được tách biệt khỏi chính trị và các nguyên tắc kinh tế thông thường./.