Tập đoàn FIT: 'Điểm gợn' từ các khoản phải thu khó đòi
Công ty cổ phần Tập đoàn FIT (mã cổ phiếu FIT, sàn HOSE) vừa có một năm tăng trưởng lợi nhuận khá tốt. Tuy nhiên, một phần lợi nhuận đến nhờ các khoản thu nhập tài chính thay vì từ hoạt động kinh doanh chính, ngoài ra bức tranh tài chính vẫn còn những 'điểm gợn', trong đó có các khoản phải thu khó đòi chiếm tỷ trọng khá lớn.
Lợi nhuận FIT tăng trưởng tốt
Quý IV/2021, doanh thu thuần của Tập đoàn FIT đạt 327 tỷ đồng giảm nhẹ 2,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn so với tốc độ giảm doanh thu nên lãi gộp vẫn hơn 91 tỷ đồng, tăng 20,5% so với quý IV năm 2020. Kết quả, FIT lãi sau thuế 37,6 tỷ đồng, tăng 64,3% so với cùng kỳ.
Tập đoàn FIT: “Điểm gợn” từ các khoản phải thu khó đòi
Tập đoàn Lộc Trời (LTG): Cổ phiếu lao dốc và “điểm gợn” hàng tồn kho HAN: Nợ gấp hơn 3 lần vốn, hơn 140 tỷ đồng phải thu khó đòi Nợ phải trả tăng gấp hơn 2 lần vốn, DPG muốn đổi tên thành tập đoàn
Lũy kế cả năm 2021, FIT đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ là 1.221 tỷ đồng, tăng gần 2,8% so với năm 2020. Giá vốn hàng bán năm 2021 giảm so với năm trước, theo đó lợi nhuận gộp đạt tăng trưởng 15%, ghi nhận giá trị tuyệt đối cụ thể là 306 tỷ đồng.
Năm 2021, FIT có khoản doanh thu hoạt động tài chính khá lớn với 430 tỷ đồng, trong khi năm 2020 chỉ có hơn 134 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính. Khoản thu nhập này cũng góp phần làm gia tăng lợi nhuận cho FIT trong năm 2021, đạt lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 231 tỷ đồng, tăng trưởng 178% so với năm ngoái.
Về diễn biến giá cổ phiếu, kết quả lợi nhuận tăng trưởng của FIT trong quý IV và cả năm 2021 cũng không tạo cảm hứng đáng kể với các nhà đầu tư trên thị trường. Cổ phiếu FIT trên thị trường vẫn chỉ loanh quanh xu hướng đi ngang trong giai đoạn từ cuối tháng 1/2022 đến nay. Trước đó, cổ phiếu này có một đợt sóng nhẹ vào cuối năm 2021, khi tăng từ mốc hơn 14.000 đồng/cổ phiếu lên đạt đỉnh 16.700 đồng/cổ phiếu và sau đó đổ dốc trở lại mặt bằng trước đó, hiện quanh mốc trên 14.000 đồng/cổ phiếu.
“Điểm gợn” từ các khoản phải thu khó đòi
Sự tăng trưởng lợi nhuận của FIT trong năm 2021 đương nhiên là một thông tin tích cực cho doanh nghiệp, nhưng lý do doanh nghiệp có được lợi nhuận cũng có phần không ổn định.
Cụ thể, một trong những lý do chính khiến cho FIT có được lợi nhuận tăng trưởng cao trong năm 2021 là sự tăng trưởng mạnh từ thu nhập tài chính. Doanh thu tài chính của FIT trong năm 2021 có được từ một số nguồn chính như lãi trái phiếu, lãi từ đầu tư chứng khoán kinh doanh, lãi tiền cho vay…
Riêng khoản đầu tư trái phiếu đến từ việc FIT mua trái phiếu chuyển đổi Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam, kỳ hạn 5 năm kể từ 22/6/2016. Lãi suất cho lựa chọn chuyển đổi sang cổ phiếu là 0% và cho lựa chọn không chuyển đổi là 5%/năm. Đến ngày đáo hạn (tháng 6/2021), FIT lựa chọn không chuyển đổi, theo đó lãi đầu tư trái phiếu được ghi nhận 1 lần trong năm 2021. Việc ghi nhận thu nhập tài chính 1 lần vào năm 2021 khiến cho doanh thu từ hoạt động tài chính từ khoản đầu tư này tăng vọt trong năm 2021.
Ngoài ra, các khoản phải thu khó đòi cũng để lại những “điểm gợn” đối với FIT trong bức tranh tài chính chung của doanh nghiệp này.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của FIT, công ty có 636 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Tuy nhiên, số tiền phải trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi cũng đã lên tới 91 tỷ đồng, tính theo tỷ lệ số phải trích lập dự phòng so với số giá trị các khoản phải thu lên tới 14,3%.
Một số khoản phải thu có thể mất toàn bộ vốn là các khoản phải thu đối với một số đối tác như Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Siwn, Công ty TNHH Dược phẩm Hải Tâm, Doanh nghiệp tư nhân Trung Đông, Công ty Maxwill (Asea) Pte Ltd, Công ty cổ phần Sản xuất Dịch vụ Thương mại Hoàng Gia Việt.
FIT cũng có một số khoản trả trước cho người bán nhưng cũng có khả năng mất hết vốn tại các đối tác như Công ty TNHH MTV Nông sản Tân Thái Phong, Công ty TNHH Hoàng Loan. Ngoài ra, một số khoản khác liên quan đến một số cá nhân cũng có nguy cơ mất toàn bộ vốn.
FIT là doanh nghiệp hoạt động đầu tư tài chính, trong đó, ngành nghề của các công ty con mà doanh nghiệp này đầu tư nằm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, hàng tiêu dùng, bất động sản… Tuy nhiên, so sánh số liệu tài chính của một số doanh nghiệp trong các ngành nghề mà FIT có công ty con hoạt động thì FIT tỏ ra có tỷ lệ nợ phải thu khó đòi khá cao.
Với một doanh nghiệp dược, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã cổ phiếu DHG) cũng có tỷ lệ dự phòng phải thu ngắn hạn/các khoản phải thu ngắn hạn khá cao, lên tới 10,9%, nhưng cũng vẫn thấp hơn so với tỷ lệ này của FIT.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có hoạt động cùng ngành nghề với các công ty con mà FIT hoạt động đều có tỷ số tài chính này thấp hơn rất nhiều so với FIT. Cụ thể, tỷ lệ này của một doanh nghiệp hàng tiêu dùng là Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (mã cổ phiếu KDC) chỉ là 0,08%, trong khi của một doanh nghiệp bất động sản là Công ty cổ phần Nhà Bà Rịa Vũng Tàu (mã cổ phiếu DHC) cũng chỉ là 0,8%.
So sánh tỷ lệ phải thu ngắn hạn khó đòi của FIT với một số doanh nghiệp khác (tỷ đồng)