Tập đoàn Gelex (GEX): Hầu hết các mảng kinh doanh đã phục hồi tích cực
Hầu hết các mảng kinh doanh của Tập đoàn GELEX đã có sự hồi phục tích cực trong quý 2 vừa qua. Theo VCBS, tập đoàn này có thể thu về 1.500 tỷ đồng nhờ thoái vốn một phần khỏi mảng năng lương.
Hầu hết các mảng kinh doanh đã phục hồi tích cực
Sau các kết quả kém tích cực của quý 1/2023, hầu hết các mảng kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX (mã cổ phiếu GEX – sàn HoSE) đã có sự hồi phục trong quý 2 vừa qua.
Cụ thể, đối với mảng Thiết bị điện (dây cáp điện, máy phát điện, động cơ điện, máy biến áp..), doanh thu đạt 3.673 tỷ đồng, tăng 14% so với quý 1/2023, nhưng lợi nhuận gộp đạt 356 tỷ đồng, giảm 14% so với quý 1/2023.
Biên lợi nhuận gộp giảm từ 13% xuống còn 10% trong quý 2/2023, thấp hơn mức bình quân 11,2% năm 2022 do tăng tỷ trọng doanh thu của Công ty Dây đồng Việt Nam CFT (có mức biên lợi nhuận gộp thấp) và một số đơn vị có tỷ suất lợi nhuận giảm trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Đối với mảng Vật liệu xây dựng (sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch ốp lát,....), doanh thu đạt 2.164 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt 269 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và tăng 35% so với quý 1/2023. Biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm nhẹ so với quý 1/2023 về mức 12%, chủ yếu do giá bán của một số sản phẩm tiếp tục giảm trước nhu cầu thị trường yếu.
Đối với mảng Bất động sản (khu Công nghiệp, dân cư), doanh thu đạt 1.779 tỷ đồng, tăng 44% so với quý 1/2023, chủ yếu tới từ việc cho thuê 77 ha đất công nghiệp (so với 40 ha trong quý 1/2023). Phần lớn diện tích đất cho thuê đến từ các khu công nghiệp có giá thuê cao và biên lợi nhuận tốt như Khu công nghiệp Yên Phong II-C, Khu công nghiệp Yên Mỹ, và Khu công nghiệp Đông Mai. Lợi nhuận gộp của mảng này đạt 952 tỷ đồng, tăng tới 42% so với quý 1/2023.
Đối với mảng Năng lượng và Nước sạch (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, nước sạch), doanh thu 370 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 112 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và giảm 41% so với quý 1/2022. Nguyên nhân doanh thu giảm chủ yếu do các dự án điện gió bị ảnh hưởng bởi chu kỳ gió thấp của quý 2 và thủy điện bị ảnh hưởng lớn bởi El Nino. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp giảm chủ yếu do mảng nước sạch bắt đầu ghi nhận chi phí khấu hao đối với một số hạng mục đầu tư Giai đoạn 2 Dự án nước sạch Sông Đà vào giá vốn hàng bán.
Tựu chung lại, biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn GELEX trong quý 2/2023 đã hồi phục lên mức 21,1%, so với mức 19,8% của quý 1/2023. Đặc biệt, biên lợi nhuận ròng tăng mạnh lên mức 4% so với mức -1,4% của quý 1/2023 nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện; chi phí tài chính giảm mạnh do các khoản đầu tư chứng khoán có lãi khoảng 117 tỷ trong quý 2/2023.
Xét về cơ cấu doanh thu, mảng thiết bị điện vẫn chiếm tỷ trọng chính nhưng giảm còn 46%, cân bằng với doanh thu của các mảng còn lại. Đáng chú ý, tỷ trọng doanh thu mảng Bất động sản trong cơ cấu doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Gelex đã tăng mạnh.
Xem thêm: "Biên lợi nhuận Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam Kim có thể giảm trong quý 3/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Có thể thu về 1.500 tỷ đồng nhờ thoái vốn một phần mảng năng lượng
Theo đánh giá mới nhất của Vietcombank Securities (VCBS), các khoản đầu tư dài hạn của Tập đoàn Gelex có tiềm năng “hái quả” trong thời gian tới.
Cụ thể, đối với mảng Vật liệu xây dựng, Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã cổ phiếu VGC - sàn HoSE) đang có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 của dự án Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ giúp tăng 1,5 lần công suất dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025, đáp ứng cung cấp phôi kính dung trong sản xuất pin năng lượng mặt trời. Đồng thời, đầu tư dây chuyền mới Sacmi Continua+ nhằm đón đầu xu hướng sản phẩm gạch porcelain khổ lớn cao cấp thay thế hàng nhập khẩu.
Trong mảng Bất động sản, Tổng Công ty Viglacera tiếp tục đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng cho các khu công nghiệp lớn như Yên Mỹ và Thuận Thành. Bên cạnh đó, góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án tại Hưng Yên và Yên Bái để đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành khu công nghiệp. Tập đoàn GELEX cũng tiếp tục hoàn thiện dự án khách sạn tại số 10 Trần Nguyên Hãn và dự kiến đưa vào hoạt động trong 2025.
Các dự án này đều có vị trí đắc địa với giá thuê cao giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp trong tương lai, theo VCBS.
Xem thêm: "Thị trường bất động sản công nghiệp sẽ như nào khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Với mảng nước sạch, tiềm năng tăng trưởng tới từ dự án mở rộng Giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (mã cổ phiếu VCW - sàn UPCoM) giúp tăng gấp đôi công suất lên 600.000 m3/năm dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Nước sạch Sông Đà đang đẩy nhanh tiến độ tất toán xây dựng phần công trình đã xây và đầu tư, gấp rút đưa dự án vào hoạt động.
Theo VCBS, tính đến hết hiện nay, Tập đoàn Gelex ước tính có khoảng 2.146 tỷ đồng trái phiếu; trong đó, khoản đã thanh toán từ đầu năm là 1.047 tỷ đồng. Trong năm 2023, tập đoàn này phải tất toán khoảng 1.237 tỷ đồng trái phiếu vì vậy trong phần nửa sau của năm nay, Tập đoàn Gelex sẽ còn phải thanh toán khoảng 227 tỷ đồng trái phiếu. Điều này cho phép Tập đoàn Gelex tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoàn thiện các dự án kinh doanh cốt lõi sắp tới của mình.
Đáng chú ý, theo VCBS, Tập đoàn Gelex có kế hoạch thoái vốn một phần mảng năng lượng để gia tăng nguồn vốn giúp đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng tâm. Tập đoàn này hiện sở hữu 2 đại dự án điện gió là GELEX Quảng Trị và Hướng Phùng với tổng công suất 140 MW, Điện Mặt Trời Ninh Thuận với công suất 50 MW và Thủy Điện Sông Bung công suất 49 MW.
Theo ước tính của VCBS, tổng lợi nhuận nếu Tập đoàn Gelex thoái toàn bộ 4 dự án năng lượng có thể lên tới hơn 1.500 tỷ đồng và dòng tiền thu về có thể được sử dụng để giảm bớt gánh nặng lãi vay cho Tập đoàn Gelex.