Đại diện tập đoàn Kalashnikov Concern đã xác nhận việc chuyển đổi một trong những trung tâm nghiên cứu tại Izhevsk thành cơ sở sản xuất máy bay không người lái.
Cụ thể vào ngày 26 tháng 5 năm 2023, Tổng giám đốc của tập đoàn Kalashnikov Concern - ông Alan Lushnikov đã tuyên bố rằng công việc bắt đầu được triển khai một cách rất khẩn trương.
Tại các cơ sở sản xuất mới, công ty ZALA AERO (trực thuộc tập đoàn Kalashnikov Concern) sẽ bắt đầu sản xuất cả máy bay không người lái cảm tử Lancet-3 - vũ khí đã chứng minh được năng lực trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cũng như một loạt thiết bị hiện đại khác.
"Sau khi hoàn thành kế hoạch tái trang bị kỹ thuật cho năm nay, vào năm 2024, chúng tôi sẽ có thể tăng gấp nhiều lần số lượng UAV được xem là thế mạnh của doanh nghiệp, đó là đạn tuần kích (UAV cảm tử) cũng như máy bay không người lái trinh sát".
"Chúng tôi không thể công bố số lượng chính xác, nhưng việc gia tăng sản xuất đối với tất cả các thiết bị đặc biệt sẽ nâng cao số lượng của chúng lên gấp nhiều lần", ông Lushnikov cho biết.
Theo dịch vụ báo chí của tập đoàn Kalashnikov, bộ phận "Phương tiện đặc biệt" mới thành lập sẽ sản xuất các bộ công cụ mặt đất để phóng máy bay không người lái, bên cạnh đó là trạm chỉ huy và hệ thống điều chỉnh việc bắn đạn dẫn đường chính xác.
Rõ ràng vai trò của máy bay không người lái trong chiến dịch quân sự đặc biệt là rất quan trọng và không thể cung cấp đủ máy bay không người lái cho nhu cầu của Quân đội Nga chỉ bằng nỗ lực của những người đam mê.
Dịch vụ báo chí từ tập đoàn Kalashnikov Concern cũng cung cấp thường xuyên hơn những thước phim về việc phá hủy trang thiết bị quân sự của đối phương bằng UAV cảm tử.
Mới đây nhất, chiếc Lancet đã chứng minh hiệu quả khi phá hủy thành công trạm radar 36D6, nếu thiếu khí tài này thì hoạt động chính xác của hệ thống phòng không S-300 là không thể.
Theo các chuyên gia quân sự, trong số các loại máy bay không người lái được Nga sử dụng trên chiến trường thì UAV cảm tử Lancet của Kalashnikov Concern đã “cứu vãn danh dự” cho Moskva.
Trước đó, nhiều loại UAV khác, điển hình như chiếc Orion hạng nặng, hay thấp hơn là Orlan-10 chuyên trinh sát đều cho thấy rất nhiều sự thất vọng khi không thể đáp ứng yêu cầu kỹ chiến thuật mà Bộ Quốc phòng Nga đề ra.
Giới chức quân sự Nga đã yêu cầu đẩy mạnh sản xuất chiếc Lancet và các phiên bản nâng cấp của nó, họ gần như “lãng quên” những phương tiện từng được quảng cáo rầm rộ trong quá khứ như Sirius hay Altius-RU.
Việc Kalashnikov Concern tăng cường chế tạo UAV cảm tử nội địa cũng khiến Nga bớt phải phụ thuộc vào những chiếc Shahed-136 nhập khẩu từ Iran, đặc biệt khi số lượng của chúng đang sụt giảm rất nhanh chóng do cường độ sử dụng cao.
Ngoài phục vụ nhu cầu nội địa, Tập đoàn Kalashnikov Concern còn đặt nhiều hy vọng vào việc có thể xuất khẩu mặt hàng máy bay không người lái của mình với quy mô tương tự như khẩu súng trường tấn công AK-47 nổi tiếng trước kia.
Theo An ninh thủ đô