Tập đoàn Lộc Trời (LTG) xây liên kết sản xuất 300.000 ha với mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn lúa/năm
Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu LTG) vừa ký kết hợp tác với loạt đối tác nhằm phát triển vùng nguyên liệu quy mô 300.000 ha với mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn gạo/năm. Tập đoàn này cũng vừa nhận gói tín dụng 2.100 tỷ đồng từ một ngân hàng Hà Lan.
Hướng đến mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn lúa/năm
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu LTG – sàn UPCoM) vừa tổ chức Ngày hội khách hàng Lộc Trời 2023 (Next Crop Sales 2023). Tại sự kiện, Tập đoàn Lộc Trời đã công bố kế hoạch hành động cho năm 2024 và định hướng kinh doanh trong 3 năm tới đây.
Đồng thời, tập đoàn nông nghiệp này ký kết loạt biên bản ghi nhớ (MOU) với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, và Sóc Trăng về việc triển khai vùng nguyên liệu liên kết sản xuất lúa trên 300.000 ha, cũng như với nhiều đại diện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại các địa phương.
Qua đó, đảm bảo vùng nguyên liệu chất lượng cao có thể cung ứng 5 triệu tấn lúa/năm, tương đương hơn 2 triệu tấn gạo và phụ phẩm/năm, kể từ năm 2024 trở đi. Tổng mức đầu tư ứng trước cho nông hộ lúc ban đầu gồm: giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… khoảng 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết với các đối tác trong nước và ngoài nước như Hopestone Group Pte Ltd (Singapore) và Quan Yi Agri Group Limited (Hồng Kông, Trung Quốc) để xuất khẩu trực tiếp trên 100.000 tấn gạo và cấp hàng cho hàng loạt các đối tác xuất khẩu khác.
Ngoài ra, các đơn vị khác thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Lộc Trời như Viện Nghiên cứu Lộc Trời cũng đã ký kết hợp tác với Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Viện Cây Ăn Quả miền Nam, và Công ty Cổ phần Giải pháp thời tiết WeatherPlus về việc hợp tác xây dựng các quy trình canh tác, ứng dụng công nghệ AI và Big Data xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cây trồng và sinh vật gây hại trên lúa và cây trồng khác.
Công ty Giống cây trồng Lộc Trời ký kết với Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty TNHH Mahyco Việt Nam, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các tỉnh… và các đối tác khác về hợp tác nhượng quyền, sản xuất, phân phối 60.000 tấn các loại hạt giống lúa, rau màu và cây giống trong nước và khu vực Đông Nam Á trong năm 2024.
Giá vốn hàng bán và chi phí lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận
Tập đoàn Lộc Trời hiện là đơn vị cung ứng gạo lớn nhất Việt Nam, với 10 nhà máy tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long với năng lực cung cấp trên 2 triệu tấn gạo hàng năm cùng hơn 1 triệu tấn phụ phẩm như tấm, cám, trấu, trấu viên, tro trấu,… cho thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng chiếm hơn 20% thị phần ngành thuốc bảo vệ thực vật trong nước, và là nhà phân phối hạt giống lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Xét về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 3 vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần hơn 4.461 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ trong bối cảnh nhu cầu lương thực tăng mạnh. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán và chi phí lãi vay tăng cao, cùng với lỗ tỷ giá hối đoái đã khiến tập đoàn này báo lỗ ròng 327 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 64 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục mà tập đoàn này từng ghi nhận trong một quý.
Xem thêm: "Lãi ròng của Gạo Trung An tăng gấp 6 lần nhưng cổ phiếu TAR vẫn rơi kịch biên độ" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong quý 2/2023, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận lãi ròng 426 tỷ đồng - mức cao nhất lịch sử hoạt động. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, lãi ròng của tập đoàn nông nghiệp này chỉ còn 19 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ và thực hiện được 5% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Trong một diễn biến liên quan, Tập đoàn Lộc Trời vừa ký kết gói tín dụng 90 triệu USD (tương đương 2.100 tỷ đồng) với Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan (Dutch Entrepreneurial Development Bank - FMO). Gói tín dụng này sẽ được dùng để phát triển liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp gồm máy móc, kho chứa tại 10 nhà máy gạo của các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 8/11, thị giá cổ phiếu LTG đạt 24.100 đồng/cổ phiếu, tăng 25% so với thời điểm đầu năm nay.