Tập đoàn lớn: Những 'ổ' hối lộ xuyên quốc gia
Gần đây, liên tiếp các vụ hối lộ của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới bị phát hiện, đa phần đều liên quan đến quan chức chính phủ của các nước nhằm đạt được thỏa thuận về hợp tác kinh doanh.
Panasonic hầu tòa
Công ty điện tử hàng không Panasonic Avionics, có trụ sở tại thành phố Lake Forest, bang California, Mỹ - đơn vị chuyên cung cấp hệ thống liên lạc và giải trí trên các chuyến bay thuộc tập đoàn Panasonic đã nhận được trát hầu tòa cũng như yêu cầu nộp tất cả tài liệu liên quan đến việc chi trả, quà biếu cho nhân viên hàng không và quan chức chính phủ để nhận được những hợp đồng kinh doanh.
Dựa trên điều luật về chống tham nhũng năm 1977, cơ quan chức năng Mỹ đã gửi thông báo về vụ việc trên tới hàng chục lãnh đạo của Panasonic tại châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Đầu tháng 3/2013, các nhà điều tra cũng yêu cầu Panasonic Avionics phải trao nộp tài liệu ghi lại việc liên lạc, giao dịch giữa công ty với các cố vấn và người trung gian, cũng như tài liệu liên quan đến những lần doanh nghiệp trả tiền cho quan chức chính phủ và nhân viên các hãng hàng không.
Microsoft hối lộ quan chức chính phủ Trung Quốc, Romania, Ý
Năm 2012, một nhân viên cũ của chi nhánh Microsoft tại Trung Quốc đã tố cáo một cán bộ của Microsoft ở Trung Quốc đã chỉ đạo hối lộ cho các quan chức để kí hợp đồng bán phần mềm. Sau đó, Microsoft đã thuê luật sư điều tra nội bộ trong 10 tháng nhưng không phát hiện sai phạm.
Ngoài Trung Quốc, cơ quan điều tra Mỹ cũng đang xem xét liệu Microsoft có chủ trương đưa tiền hối lộ để có hợp đồng bán phần mềm với Bộ Truyền thông tại Romania; và Microsoft tại Ý có sử dụng các chuyên viên tư vấn để chuyển quà cáp cho các quan chức để đạt được thỏa thuận kinh doanh với chính phủ.
Bộ Truyền thông Romania khẳng định Bộ không hề dàn xếp kinh doanh giữa Microsoft và các bên trung gian. Trong khi đó, Phó Chủ tịch John Frank khẳng định Microsoft đã đầu tư rất nhiều tiền trong công tác đào tạo và giám sát để bảo đảm hoạt động kinh doanh tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và luật pháp ở mức độ cao nhất. Tuy nhiên, ông thừa nhận Microsoft đang quản lí 98.000 nhân viên và có quan hệ với 640.000 đối tác trên toàn cầu nên khó nói không sai sót.
Ngày 20/3/2012, Phó Chủ tịch Tập đoàn phần mềm Microsoft John Frank thông báo Microsoft sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra Mỹ.
Foxconn bị điều tra về việc hối lộ ở Trung Quốc
Lãnh đạo của Foxconn đã bị bắt giữ vì đã tìm cách hối lộ các nhà cung cấp.
Foxconn là đối tác chủ yếu của tập đoàn sản xuất điện tử lớn trên thế giới như Apple, Panasonic, Samsung và Sony. Công ty được thành lập bởi Terry Gou, một trong những người giàu nhất châu Á.
Foxconn, một trong những nhà sản xuất linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới cho biết họ đang bị chính quyền Trung Quốc điều tra về các cáo buộc hối lộ. Nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo của Foxconn đã bị bắt giữ vì ông đã tìm cách mua chuộc các nhà cung cấp.
Trước đây, công ty đã bị cáo buộc sử dụng nhiều lao động dưới tuổi vị thành niên. Đây cũng là nơi diễn ra các vụ bê bối về điều kiện lao động khắc nghiệt khiến công nhân tự tử.
Phản ứng lại những lời cáo buộc, Foxconn cho biết họ đã thực hiện một cuộc điều tra nội bộ đối với những lời cáo buộc. Công ty cũng cho biết thêm rằng họ cũng đang tiến hành các biện pháp nhằm phòng ngừa sự cố xảy ra.
Chủ tịch tập đoàn Fauchon bị nghi hối lộ
Michel Ducros - con trai Gilbert Ducros, người sáng lập Tập đoàn Kinh doanh thực phẩm cao cấp Fauchon, Chủ tịch của Fauchon (Pháp) đang bị nghi ngờ hối lộ trong các thương vụ mua bán bất động sản.
Michel Ducros bị nghi ngờ đã hối lộ quan chức địa phương 500.000 euro (khoảng 14 tỷ đồng) trong những thương vụ mua bán bất động sản diễn ra hồi năm 2010 tại tỉnh Bouches-du-Rhone (Đông Nam nước Pháp).
Vụ bê bối hối lộ này liên quan đến một loạt vụ gian lận, tham nhũng, rửa tiền của các nghị sĩ, công chức, lãnh đạo doanh nghiệp ở Marseille và đang là tâm điểm của cuộc điều tra quy mô lớn của cảnh sát Marseille.
Las Vegas Sands thừa nhận hối lộ quan chức nước ngoài
Las Vegas Sands, tập đoàn của tỉ phú Sheldon G. Adelson, thừa nhận trong một báo cáo gửi cho Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) ngày 1/3/2013 là họ có thể đã vi phạm luật cấm hối lộ quan chức nước ngoài.
Cách nay hơn hai năm SEC đã "có những kết luận ban đầu, trong đó nêu rõ có khả năng có những vi phạm" đối với luật chống hối lộ các quan chức nước ngoài. Theo Wall Street Journal đó là các phi vụ liên quan ở Trung Quốc và nhân vật lãnh đạo trực tiếp liên đới vụ đút lót này hiện đã rời Las Vegas Sands. Bang Nevada cũng đang điều tra vụ việc.
Trong mấy năm gần đây, Las Vegas Sands đã mở rộng hoạt đồng ở châu Á, xây dựng nhiều casino ở Macau, Singapore, Las Vegas Sands cũng có ý định đầu tư vào lĩnh vực casino ở Việt Nam và rất có thể tập đoàn này không chỉ hối lộ quan chức Trung Quốc mà còn nhiều quan chức các nước khác.