Tập đoàn Nhật Bản đặt 'tương lai' vào Việt Nam
Tổng giám đốc Tập đoàn Mitani Sangyo đánh giá cao tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời lạc quan về môi trường kinh doanh và mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Tài chính đầu năm, Nhật Bản là đối tác cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam với 208 dự án, tổng vốn cam kết trên 23 tỷ USD. Quốc gia Đông Á này cũng là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 5.264 dự án FDI có tổng vốn đăng ký gần 74 tỷ USD.
Riêng 11 tháng năm nay, Nhật Bản đứng thứ 5 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký vượt 3,61 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn FDI.
Hiện nay, có khoảng 3.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, hầu hết số đó là doanh nghiệp quy mô lớn.
Trong số này, Tập đoàn Mitani Sangyo đã rót vốn vào Việt Nam từ năm 1994, đến nay, sau 30 năm, Việt Nam vẫn là thị trường nước ngoài duy nhất của tập đoàn đến từ Nhật Bản.
Nói với Tri Thức - Znews, ông Mitani Tadateru, người thừa kế đời thứ 3 đồng thời là Tổng giám đốc Tập đoàn Mitani Sangyo cho biết môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã "lột xác" hoàn toàn, từ cơ sở hạ tầng cho đến khả năng tương thích, bắt kịp với xu hướng quốc tế của cơ quan quản lý Việt Nam.
Tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam
Cụ thể, ông Tadateru đánh giá Việt Nam đang chứng kiến tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc. Không ít lần, vị doanh nhân này nhận được lời đánh giá từ các doanh nghiệp Nhật Bản rằng việc chọn Việt Nam cách đây 30 năm là một quyết định đúng đắn.
“Một số công ty hỏi với tầm nhìn xa như vậy, chúng tôi đang tìm kiếm điều gì tiếp theo sau Việt Nam. Tôi luôn đáp rằng tiếp sau Việt Nam vẫn sẽ là Việt Nam”, vị Tổng giám đốc 40 tuổi nhấn mạnh.
Theo ông, trong mắt các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam được xem là một điểm đến đầu tư chiến lược dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ ý định mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.
Con số này giúp Việt Nam duy trì vị thế nằm trong nhóm đầu các thị trường Đông Nam Á mà doanh nghiệp Nhật ưu tiên mở rộng hoạt động, nhờ vào nhu cầu xuất khẩu tăng trưởng và thị trường nội địa dần phục hồi mạnh mẽ.
Khảo sát đồng thời chỉ ra hơn 64% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam kỳ vọng đạt lợi nhuận trong năm 2024. Dù giảm 9,8 điểm % so với năm trước đó, tỷ lệ này vẫn ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, giai đoạn trước Covid-19.
Dự báo năm 2025, hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật được khảo sát tin rằng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện. So với năm trước, sự kỳ vọng ở các ngành, lĩnh vực cụ thể đều có thay đổi rõ rệt.
Ông Mitani Tadateru cũng cho biết tập đoàn này đã cũng liên tục khảo sát cơ hội mở rộng đầu tư vào các địa phương như Bình Dương, Bình Phước hay Thừa Thiên Huế trong vòng 2 năm trở lại đây. Đến nay, Mitani Sangyo đang có 7 công ty thành viên với 15 văn phòng, nhà máy đặt tại 6 tỉnh, thành phố với quy mô 2.400 nhân sự.
“Đối với Mitani Sangyo, Việt Nam là một phần không thể thiếu. Chúng tôi luôn tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Việt Nam và đó chính là lý do chúng tôi đầu tư vào Việt Nam”, vị Tổng giám đốc chia sẻ.
Chọn Việt Nam cho các cơ hội mới
Dù mang tiềm năng tăng trưởng tích cực với nhóm doanh nghiệp FDI, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và nước ngoài nói chung vẫn đối mặt nhiều trở ngại khi kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam có hệ thống pháp lý và các quy định đầu tư thường xuyên thay đổi, đòi hỏi nhà đầu tư phải cập nhật và điều chỉnh kịp thời. Quy trình xin cấp phép và tuân thủ pháp luật vẫn mất nhiều thời gian, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lần đầu đầu tư.
“Có một số trường hợp doanh nghiệp tỏ ra bối rối trước sự khác biệt trong quan điểm của các cơ quan quản lý về vấn đề tuyển dụng đào tạo nhân sự, việc đảm bảo nguồn cung ứng nguyên vật liệu hay các vấn đề về lao động, thuế, nghiệp vụ ngoại thương…”, ông Tadateru cho biết.
Ngoài ra, những ảnh hưởng hậu đại dịch cũng khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, nhất là tình trạng suy giảm đơn hàng.
Ngay cả khi thời thế thay đổi và xuất hiện những thách thức mới, chúng tôi sẽ tiếp tục chọn Việt Nam, đồng thời tối đa hóa những cơ hội mới
Ông Mitani Tadateru, Tổng giám đốc Mitani Sangyo
Cũng trong giai đoạn này, tại một số nhà máy sản xuất linh kiện ôtô của Tập đoàn Mitani Sangyo đã bắt buộc phải chuẩn bị máy móc và nhân lực từ sớm để phù hợp với sản lượng suy giảm dự kiến.
Song, việc cắt giảm đơn hàng đột ngột có thể dẫn đến thua lỗ, đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh linh hoạt theo số lượng đơn hàng thực tế và tiến hành các biện pháp đối ứng.
Tình trạng khó khăn cũng khiến một số lao động rời doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Tadateru cho biết điều tích cực là tỷ lệ nghỉ việc trong tập đoàn vẫn thấp hơn mức trung bình của ngành.
Theo vị lãnh đạo người Nhật, những cuộc khủng hoảng khó lường như đại dịch Covid-19 có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Song, môi trường kinh doanh và cách suy nghĩ của người dân Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ cùng với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
“Ngay cả khi thời thế thay đổi và xuất hiện những thách thức mới, chúng tôi sẽ tiếp tục chọn Việt Nam, đồng thời tối đa hóa những cơ hội mới”, ông nhấn mạnh.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tap-doan-nhat-ban-dat-tuong-lai-vao-viet-nam-post1520780.html