Tập đoàn Nhật Bản được trợ cấp sản xuất tại Việt Nam
Theo Nikkei, Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam của tập đoàn Tokuyama.
Nikkei đưa tin 15 công ty Nhật Bản sẽ được chính phủ tài trợ để xây dựng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Đây là một phần của sáng kiến với tổng giá trị đầu tư khoảng 100 tỷ yen (679 triệu USD).
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ sớm công bố 13 dự án được lựa chọn để nhận tổng cộng 35 tỷ yen (238 triệu USD) trợ cấp. Các dự án nằm rải rác tại các nước thành viên ASEAN, giúp đem lại lợi thế cạnh tranh cho các công ty Nhật Bản tại khu vực.
Bán dẫn sẽ là một phần quan trọng trong dự án chuỗi cung ứng nguồn. Tokyo có kế hoạch hỗ trợ một dây chuyền sản xuất bao bì chip đang được Mitsumi Electric xây dựng ở Philippines.
Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ trợ cấp cho các hoạt động sản xuất tại Việt Nam của Tokuyama. Tokuyama là công ty hàng đầu thế giới về silicon đa tinh thể được sử dụng trong chất bán dẫn.
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2023, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, Tokuyama cho biết, dự kiến triển khai dự án nhà máy nghiền và làm sạch polysilicon tại khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Nhà máy sẽ sử dụng silicon kim loại làm nguyên liệu thô, sản xuất polysilicon đa tinh thể cho chất bán dẫn, pin mặt trời. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 30 triệu USD, diện tích mặt đất sử dụng khoảng 5ha.
Ô tô và khử cacbon cũng được coi là những lĩnh vực quan trọng. Isuzu và Mitsubishi đang thí điểm dự án giới thiệu xe điện với pin dễ dàng thay thế cũng như các trạm đổi pin ở Thái Lan. Điều này sẽ giúp Nhật Bản thiết lập chuỗi cung ứng pin tại Thái Lan, nơi Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng thị phần xe điện.
Sojitz và Green Power Development sẽ nhận được tài trợ để sản xuất thí điểm nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) ở Đông Nam Á. Việc sử dụng SAF có thể làm giảm khí thải carbon của ngành.
Tokyo dự định tăng mức sử dụng SAF lên khoảng 10% tổng lượng nhiên liệu hàng không vào năm 2030. Dự án của Sojitz và Green Power Development sẽ đa dạng hóa nguồn nhiên liệu của Nhật Bản.
Trong lĩnh vực năng lượng, chính phủ sẽ cung cấp viện trợ cho dự án của Toyo Engineering và Itochu để cung cấp hydro xanh cho các cơ sở sản xuất amoniac ở Indonesia. Hydro xanh không thải ra carbon trong quá trình sản xuất.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có truyền thống mạnh mẽ ở ASEAN, nhưng các công ty Trung Quốc như BYD đang dẫn đầu trong việc sản xuất EV tại địa phương. Nước này kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng niken của Indonesia, nguyên liệu chính cho pin EV.
(Theo Nikkei)