Tập đoàn Phúc Sơn đã 'phá nát' Nha Trang như thế nào?

Tập đoàn Phúc Sơn chỉ là một doanh nghiệp cấp huyện nhưng trúng nhiều dự án rất lớn ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Khánh Hòa. Đặc biệt, chỉ riêng tại Nha Trang, những hoạt động của tập đoàn này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất nhiều sai phạm. Trong đó, Phúc Sơn đã 'xẻ thịt' Sân bay Nha Trang và một số dự án dính hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Tính chất, quy mô vụ án rất lớn

Ngày 26/02, ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu "Pháo"), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) cùng 3 cán bộ Tập đoàn Phúc Sơn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Chiều 02/3, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2024, do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cung cấp thông tin về kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, dư luận và báo chí đã đề cập đến công ty này từ vài năm nay nhưng đến tháng 02/2024, cơ quan chức năng mới có thể làm rõ.

Theo người phát ngôn Bộ Công an, Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động từ năm 2004, chủ yếu xây lắp ở huyện. Công ty này bắt đầu vươn mình từ năm 2015 với nhiều công trình từ Bắc tới Nam, đến nay đã có 21 dự án với với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó có Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Nha Trang - Khánh Hòa. Đây là 1 doanh nghiệp nhỏ cấp huyện, có phó tổng giám đốc tập đoàn mới học xong chương trình lớp 4.

Ông Lê Đức Vinh (phải) và ông Nguyễn Chiến Thắng, 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Chinhphu.vn

Ông Lê Đức Vinh (phải) và ông Nguyễn Chiến Thắng, 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Khánh Hòa, tập đoàn này cũng vướng nhiều lùm xùm liên quan dự án Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang trên khu đất 62,9ha. Từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu doanh nghiệp này phải nộp hơn 11.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay Tập đoàn Phúc Sơn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, các dự án vẫn dở dang, bộn bề.

Ngày 27/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi và ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cùng về tội "Nhận hối lộ".

Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 17 bị can, trong đó có 1 bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh; 2 chủ tịch UBND tỉnh; 1 nguyên chủ tịch UBND tỉnh; cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn và các đối tượng liên quan...

Tất cả cho thấy tính chất, quy mô vụ án là rất lớn.

Phúc Sơn có quá nhiều sai phạm?

Trong các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư ở TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), có 3 dự án BT (xây dựng, chuyển giao) tại Sân bay Nha Trang. Ba dự án này nhiều năm liền chậm tiến độ, gây bức xúc dư luận, bị Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm.

Ba dự án do Tập đoàn Phúc Sơn làm nhà đầu tư gồm: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; Dự án nút giao thông Ngọc Hội; Dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội. Tại 3 dự án này, Khánh Hòa đã giao đất thanh toán để hoàn vốn cho Phúc Sơn. Trong đó, dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu Sân bay Nha Trang: tổng mức vốn dự kiến đầu tư 725,3 tỷ đồng, đất thanh toán hoàn vốn đã giao 4,07ha với giá trị đất tạm tính hơn 741,6 tỷ đồng; Dự án BT nút giao thông Ngọc Hội: dự kiến tổng vốn đầu tư 1.378,9 tỷ đồng, đất hoàn vốn đã giao 5,37ha, tổng giá trị đất tạm tính 1.358,4 tỷ đồng; Dự án BT đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội: tổng vốn dự kiến đầu tư 1.180,1 tỷ đồng, đất thanh toán đã giao 9,68ha với tổng giá trị đất tạm tính 1.099,25 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ kết luận, 3 dự án BT tỉnh Khánh Hòa giao cho Tập đoàn Phúc Sơn làm nhà đầu tư mắc rất nhiều sai phạm. Đó là không thực hiện đúng các cam kết mà tỉnh đã trình để được Thủ tướng "đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt". Tổng mức đầu tư các dự án BT mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt giao cho Phúc Sơn thực hiện đã tăng hơn 484 tỷ đồng so với tờ trình của tỉnh và văn bản được Thủ tướng chấp thuận (tháng 7/2016). Trong khi đó, thời gian thực hiện các dự án BT của Phúc Sơn lại tăng lên thêm 30 tháng.

Các dự án BT đó không hoàn thành đưa vào sử dụng đúng hợp đồng vào cuối năm 2017. Mặc dù đã được tỉnh gia hạn đến tháng 6/2021, nhưng đến thời điểm thanh tra, Phúc Sơn chỉ thi công đạt 27% khối lượng xây lắp (tổng giá trị đầu tư chỉ tương đương 558 tỷ đồng xây lắp và 394,4 tỷ đồng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng).

Việc lập, thẩm định, phê duyệt về dự án, ký kết hợp đồng các dự án BT với Phúc Sơn lại có các sai sót về định mức, đơn giá, biện pháp thi công... làm tăng tổng mức đầu tư lên gần 500 tỷ đồng.

Hơn 62ha đất trong khu Sân bay Nha Trang đã giao cho Tập đoàn Phúc Sơn có nhiều sai phạm Ảnh: Chinhphu.vn

Hơn 62ha đất trong khu Sân bay Nha Trang đã giao cho Tập đoàn Phúc Sơn có nhiều sai phạm Ảnh: Chinhphu.vn

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, những sai phạm về việc UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận quỹ đất Sân bay Nha Trang từ Bộ Quốc phòng và đồng thời bàn giao luôn cho Công ty Phúc Sơn (12/2015) khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Từ tháng 10/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các quyết định, giao toàn bộ hơn 62,3ha đất Sân bay Nha Trang cho Tập đoàn Phúc Sơn thuê đất để thực hiện dự án Khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang mà không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là vi phạm Luật đầu tư.

Riêng việc UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch chi tiết (1/500) dự án Khu trung tâm và điều chỉnh cục bộ dự án Khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang theo đề nghị của Phúc Sơn đã vi phạm quy hoạch chung TP.Nha Trang theo quyết định của Thủ tướng đã phê duyệt và vi phạm quy hoạch phân khu (1/2000) do chính UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt trước đó.

Theo Kết luận Thanh tra, trong hơn 10 năm qua, Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên thuộc doanh nghiệp này đã được giao nhiều dự án, đất đai, hợp đồng xây dựng các công trình, khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án khu đô thị và dự án BT "đổi đất" hoàn vốn tại Sân bay Nha Trang cũ. Trong đó, các dự án BT giao thầu cho Phúc Sơn làm nhà đầu tư đã giao đất hoàn vốn tại Sân bay Nha Trang và Phúc Sơn đã phân lô bán nền từ năm 2017, nhưng đến nay đều chưa hoàn thành theo đúng hợp đồng đã ký kết và nhiều lần gia hạn.

Dự án khu đô thị Phúc Khánh 2 cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Phúc Sơn vào năm 2014. Chủ đầu tư sau đó xin điều chỉnh tiến độ dự án giai đoạn 1 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vào năm 2023; giai đoạn 2 hoàn thành đầu tư toàn bộ các công trình trên đất vào cuối năm 2026. Tiến độ đề ra là như vậy, nhưng đến nay dự án chỉ mới thi công được một số hạng mục nhỏ như cống thoát nước, đoạn đường ngắn...

Hai dự án gây nhiều khiếu nại, tố cáo do nhiều cư dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất giao cho Phúc Sơn thực hiện các dự án kinh doanh các khu đô thị Phúc Khánh 1, Phúc Khánh 2 đến nay cũng thành "dự án treo".

Theo Trung tướng Tô Ân Xô để dẫn đến vi phạm trên có thể thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý là không kiểm soát hoạt động kê khai tài chính, mặc dù doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, thuế mà vẫn hoạt động, không nắm được năng lực thực tế của doanh nghiệp khi nhận dự án.

Khánh Hòa có 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh phải vào tù

Chiều 31/01/2024, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án đối với 9 bị cáo đều là cựu lãnh đạo tỉnh và TP.Nha Trang về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án Mường Thanh Viễn Triều (khu vực Bãi Dương, đường Phạm Văn Đồng, TP.Nha Trang). Tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2016) 5 năm tù và nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa với nhiều mức án khác nhau.

Trước đó, ông Thắng và các cán bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã bị TAND tỉnh Khánh Hòa phạt tù trong 3 vụ án khác. Tổng hợp cả 4 bản án này, ông Thắng bị phạt 22 năm 6 tháng tù.

Ngoài ông Nguyễn Chiến Thắng, ông Lê Đức Vinh (cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2021) cũng phải nhận mức án mức án 3 năm 6 tháng tù trong vụ án xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate (số 28E Trần Phú, TP.Nha Trang). Trước đó, ông Vinh cũng nhận án tù trong 2 vụ án khác. Tổng hình phạt ông Vinh phải nhận là 13 năm 6 tháng tù.

Tháng 8/2019, tại kỳ họp 38, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận về những dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. Theo đó, ông Lê Thanh Quang (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa 2 nhiệm kỳ từ 2010 - 2015 và 2015 - 2020) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa trong việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo... để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế... gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách Nhà nước.

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/tap-doan-phuc-son-da-pha-nat-nha-trang-nhu-the-nao_160605.html