Tập huấn cán bộ nòng cốt về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục Đại học
Ngày 6/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức khóa tập huấn cán bộ nòng cốt về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Tham dự khóa tập huấn là 15 cán bộ nòng cốt đến từ các tổ chức bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) trong cả nước, lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý chất lượng và Dự án SAHEP. Trưởng nhóm báo cáo viên là GS.TS Mai Trọng Nhuận- Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng ĐHQGHN.
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, TS Lê Mỹ Phong- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục là cấp thiết trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá bên cạnh cải cách thể chế, tăng cường cơ sở hạ tầng.
Công tác bảo đảm và KĐCLGD ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là giai đoạn hiện nay, để bảo đảm quy định của Luật số 34/2018/QH14, Luật số 43/2019/QH14 và đáp ứng các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 đã đề ra tại Đề án 69 ban hành theo Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025.
Dự án SAHEP được triển khai để hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng GDĐH, trong đó có nhiệm vụ nâng cao chất lượng cho đội ngũ làm công tác bảo đảm chất lượng và KĐCLGD. Để nâng cao chất lượng cho đội ngũ của cả hệ thống, Dự án SAHEP tổ chức tập huấn 2 pha.
Pha 1 tập huấn trong năm 2020 cho khoảng 30 người là cán bộ nòng cốt, đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động bảo đảm và KĐCLGD và Pha 2 dành cho đối tượng những cán bộ làm công tác bảo đảm và KĐCLGD ở các đơn vị (khoảng 2.000 người), được thực hiện trong 2021. Báo cáo viên cho Pha 2 sẽ được lựa chọn từ những người đã tập huấn ở Pha 1.
Pha 1 là một khóa tập huấn đặc biệt, bản chất là hội thảo- tập huấn. Đối tượng tham gia là những người đã nhiều kinh nghiệm trong bảo đảm và KĐCLGD; mục tiêu tập huấn là thống nhất được khung chương trình, phương pháp, cách thức tập huấn cho Pha 2. Vì vậy phương pháp tập huấn chủ yếu sẽ là cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra các vấn đề. Chương trình, nội dung tập huấn được gửi cho các học viên tham dự khóa tập huấn.
Khóa tập huấn phải bảo đảm về thời gian 3 ngày theo Chương trình; đội ngũ báo cáo viên trong nước và quốc tế có trách nhiệm, tận tâm; các thành viên tham dự tăng cường trao đổi thảo luận, chia sẻ về những kinh nghiệm triển khai thực hiện công tác bảo đảm và KĐCLGD giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực, trên thế giới để đạt được mục tiêu tập huấn. Ban Tổ chức đáp ứng các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị... để khóa tập huấn hiệu quả, có chất lượng.
PGS.TS Lê Trọng Hùng- Giám đốc Ban Quản lý Dự án SAHEP (Bộ GD&ĐT) bày tỏ cảm ơn tới lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng cùng đội ngũ giảng viên và học viên đã tích cực chuẩn bị và tham dự đợt tập huấn. Đợt tập huấn này kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 6/11 đến hết ngày 8/11/2020.