Tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên
Đây là lần thứ 6 Hội nghị tập huấn cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH, BHYT được BHXH Việt Nam tổ chức.
Trong 2 ngày (ngày 8 - 9/8/2023), tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tập huấn kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023”.
Đây là lần thứ 6 Hội nghị tập huấn cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức (tính từ năm 2016 đến nay).
Tham dự Hội nghị có ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; các báo cáo viên là: bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam và hơn 100 nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thuộc gần 80 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Nam.
Với sự tham dự của các báo cáo viên giàu kinh nghiệm và các chuyên gia về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Hội nghị “Tập huấn kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023” nhằm cập nhật những quy định mới, củng cố kiến thức chuyên môn chuyên sâu về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên.
Đồng thời, tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, phóng viên chia sẻ, thảo luận các vấn đề liên quan, từ đó nâng cao nghiệp vụ truyền thông báo chí về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực hiện chính sách.
Đồng hành, gắn kết vì mục tiêu an sinh xã hội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, coi đây là động lực phát triển bền vững đất nước.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đảng, Chính phủ giao, những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn xác định công tác thông tin truyền thông, trong đó có công tác phối hợp truyền thông chính sách với các cơ quan thông tấn, báo chí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, góp phần đưa các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thực sự đi vào cuộc sống.
Theo đó, toàn Ngành đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quyết định 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Các hoạt động truyền thông được triển khai chuyên nghiệp, bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền và cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương...
Ghi nhận sự quan tâm của các cơ quan báo chí dành cho ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Đào Việt Ánh cho biết, thời gian qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng như các hoạt động của Ngành luôn được báo chí phản ánh kịp thời, đa chiều, góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia từ phía người dân, người lao động và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng luôn chủ động cung cấp thông tin và tạo điều kiện để các nhà báo, phóng viên tiếp cận, nắm bắt thông tin, nhất là khi có sự kiện hay vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, thông qua nhiều kênh như hội nghị cung cấp thông tin định kỳ, thông tin báo chí, các chương trình tác nghiệp thực tế cho phóng viên tại cơ sở…
Kết quả, số lượng tin, bài, phóng sự, chương trình… về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải/phát sóng ngày càng tăng.
Năm 2022 có hơn 26.300 tin, bài, phóng sự… trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, đã có trên 18.000 tin, bài, phóng sự… (trung bình mỗi ngày có 86 tin, bài, phóng sự), tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, có rất nhiều bài báo, phóng sự… về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được phản ánh chân thực, sinh động về những khó khăn trở ngại, những cách làm hay, những điển hình tốt cũng như những tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói riêng và của Nhân dân nói chung… đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong việc tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.
Hiệu quả và sức lan tỏa mạnh mẽ
Thời gian qua, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thu hút được sự quan tâm của xã hội.
Qua đó, đóng góp tích cực cùng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao, thực hiện ngày càng tốt hơn mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể:
Một là, công tác thông tin, truyền thông nói chung, báo chí nói riêng đã góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; 57/63 tỉnh đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ; 62/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế theo Quyết định số 546/QĐ-TTg vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ngoài ra, có 14/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 57/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế hộ cận nghèo và rất nhiều tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhóm đặc thù như: học sinh, sinh viên; hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số… tham gia bảo hiểm y tế.
Hai là, báo chí đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng đi vào cuộc sống; giúp nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của Nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội, từ đó tích cực, chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đồng thời, cũng góp phần nâng cao uy tín, vị thế của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Đó là:
Số người tham gia và thụ hưởng lưới an sinh bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được mở rộng.
Ước tính hết tháng 7/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (tăng 3,64% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: bảo hiểm xã hội bắt buộc với hơn 16 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 1,5 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp 14,3 triệu người; bảo hiểm y tế 91,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ gần 92% dân số.
Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Hằng năm, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho khoảng trên 10 triệu người lao động; trên 170 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, ước chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với số tiền là 245.218 tỷ đồng (tăng 13,28% so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được chú trọng thực hiện, đáp ứng sự hài lòng, yên tâm, tin tưởng của người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách.
Ba là, báo chí góp phần tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đây là kênh hữu hiệu để tiếp nhận những thông tin phản hồi của người dân, người lao động, doanh nghiệp… về bất cập trong cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực thi pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, báo chí thể hiện vai trò đặc biệt trong việc phát hiện, phản ánh các vụ việc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động..., mang lại hiệu ứng tích cực trong công tác tổ chức, thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.
Bốn là, thông qua báo chí đã giúp truyền cảm hứng, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; vận động, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho những người yếu thế, khó khăn được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vì mục tiêu mọi người dân đều có quyền được đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau...
Tiếp tục phối hợp, đổi mới và phát triển…
Nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tình hình mới, đòi hỏi công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần tiếp tục được đổi mới, thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn giúp người dân hiểu đúng, hiểu sâu để tích cực, chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ đó, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần hoàn thành sớm mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu, nhà báo, phóng viên, biên tập viên được nghe các báo cáo viên trình bày 4 chuyên đề về:
“Trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”;
“Một số quy định mới liên quan tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Công tác phối hợp với Bộ Y tế thực hiện xử lý vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế”;
“Tình hình lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế và kết quả thực hiện công tác giám định bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm 2023. Các giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế thời gian tới”;
“Đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.
Xung quanh nội dung các chuyên đề, các nhà báo, phóng viên đã trao đổi, thảo luận, đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề liên quan được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua.
Theo đó, các chuyên gia đã trực tiếp giải đáp, cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích giúp các nhà báo, phóng viên kịp thời truyền thông, định hướng dư luận để ngày càng lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong mọi tầng lớp Nhân dân và người lao động.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên về các vấn đề liên quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Từ đó, Ngành có thêm thông tin hữu ích, phục vụ cho công tác tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tổ chức, thực hiện chính sách hiệu quả.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tin tưởng, hy vọng, sẽ nhận được sự đồng hành và ủng hộ tích cực hơn nữa của các cơ quan báo chí, đặc biệt là các nhà báo, phóng viên, biên tập viên để thực hiện ngày càng tốt hơn mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.