Tập huấn nghiệp vụ kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023
Công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác PCTN, tiêu cực; là biện pháp vừa phòng ngừa, ngăn chặn vừa hỗ trợ việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Sáng 29-9, tại TP Sầm Sơn, Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với Cục Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Thanh tra Chính phủ tổ chức tập huấn nghiệp vụ kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập phục vụ công tác PCTN, tiêu cực năm 2023.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Thạc sỹ Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ trực tiếp truyền đạt các nội dung Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, Luật PCTN; các quy định của Luật PCTN năm 2018 về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong kiểm soát tài sản, thu nhập; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập; thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập...
Ngoài ra, các đại biểu còn được truyền đạt các nội dung về Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực hướng dẫn một số nội dung về công tác PCTN, tiêu cực.
Tại hội nghị, Thạc sỹ Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ cũng đã trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc mà các đại biểu quan tâm về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; đối tượng áp dụng kê khai tài sản, thu nhập; quyền yêu cầu, trách nhiệm và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; việc xử lý vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy nêu rõ: Công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác PCTN, tiêu cực; là biện pháp vừa phòng ngừa, ngăn chặn vừa hỗ trợ việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Luật PCTN năm 2018, công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập có chuyển biến tích cực, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên; dần đi vào nền nếp, thực chất và có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Kê khai, công khai tài sản, thu nhập còn hình thức; nhiều trường hợp kê khai không đúng mẫu, thiếu thông tin hoặc thông tin không rõ ràng gây khó khăn cho công tác theo dõi, kiểm soát. Việc công khai bản kê khai nhiều nơi thực hiện cũng không thống nhất: Chỗ thì cấp ủy, chỗ thì chi bộ; chỗ thì cơ quan, đơn vị. Hình thức, cách thức công khai cũng rất chiếu lệ, cho xong; việc kiểm soát tài sản, thu nhập là khâu rất yếu...
Để làm tốt công tác kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Tiến lưu ý một số yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tiếp tục quán triệt nghiêm túc các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy về công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Phải nhận thức đầy đủ, nhất là đối với người đứng đầu, cán bộ tham mưu; mỗi cán bộ, đảng viên; trong đó lãnh đạo quản lý các cấp và người có chức vụ, quyền hạn vừa là chủ thể chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhưng cũng là đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tài sản, thu nhập. Phải xác định rõ trách nhiệm của mình; làm cho đúng quy định.
Nâng cao chất lượng việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập; khắc phục ngay việc kê khai không đúng mẫu, thiếu nội dung; nhất là giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm. Thực hiện công khai bản kê khai phải thực chất; khắc phục tình trạng làm chiếu lệ, làm cho có, cho xong, nhất là khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử...
Chỉ đạo nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Tinh thần tới đây sẽ làm mạnh hơn, nghiêm túc hơn việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát đối với người có chức vụ, quyền hạn; những vị trí nhạy cảm dễ tham nhũng, tiêu cực; triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, không làm tràn lan...